Bình thường thì dịch tiết âm đạo có màu trong suốt đến trắng sữa và gần như không mùi. Sự thay đổi chút ít trong chu kỳ kinh nguyệt là hoàn toàn bình thường, cả khi sự tiết dịch âm đạo nhiều lên cũng không phải là điều phải lo lắng. Nhưng khi sự tiết dịch âm đạo có những thay đổi rõ rệt về màu sắc, tính chất hoặc có mùi thì đó là dấu hiệu bệnh lý đáng lo ngại.
Tiết dịch không do bệnh lý
Bình thường, sự tiết dịch âm đạo nhằm giữ cho âm đạo ẩm ướt, làm sạch, tự bảo vệ để không bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh và là tín hiệu quan trọng để biết mức độ lành mạnh của âm đạo.
Nếu sự tiết dịch âm đạo nhiều lên do những nguyên nhân sau đây thì không cần phải lo lắng:
– Khi mang thai: Sự tràn ngập hormone trong cơ thể làm tăng niêm dịch cổ tử cung. Cơ thể giữ nước, máu bị pha loãng. Mô âm đạo sẽ dễ nhiễm khuẩn hơn so với bình thường. Tăng tiết dịch âm đạo khi có thai nhưng vẫn bình thường về màu sắc và tính chất vì đó chỉ là một phản ứng của sự thay đổi hormone trong cơ thể.
– Dùng viên thuốc tránh thai: Người ta cho rằng những phụ nữ dùng viên thuốc tránh thai có quan hệ tình dục thường xuyên hơn nên dễ phơi nhiễm hơn với nhiễm khuẩn, song cũng có thể do các viên thuốc tránh thai ngăn cản sự bài tiết niêm dịch âm đạo do hormone gây ra. Như vậy, viên thuốc tránh thai đã làm mất tác dụng của hormone cơ thể.
– Thiếu máu, suy nhược cơ thể cũng gây tiết dịch âm đạo nhiều và lỏng như nước.
– Xuất tiết nhiều vào thời điểm cực khoái là hiệu quả của cảm xúc tình dục, do tuyến Skene (được coi là tuyến tiền liệt của nữ) ở âm hộ tiết ra và chính dịch này cũng tham gia vào việc làm trơn ướt âm đạo.
– Thời kỳ rụng trứng giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Dấu hiệu bệnh lý
Khi sự tiết dịch có thay đổi rõ rệt về màu sắc, tính chất hoặc có mùi thì có thể đó là dấu hiệu bệnh lý. Lúc này, sự tiết dịch gọi là khí hư (người miền Nam gọi là huyết trắng).
Biết nhận xét dịch âm đạo không bình thường là biết khi nào hệ vi sinh âm đạo bị mất cân bằng. Khi sự tiết dịch mà kèm theo một trong các biểu hiện sau thì phải lưu ý:
– Có màu trắng như bột và ngứa: Có thể bạn đã bị viêm âm đạo do nấm hay phối hợp với trùng roi. Bình thường trong môi trường âm đạo vẫn có vi khuẩn lành tính tạo ra độ toan nhẹ để khống chế sự phát triển của nấm candida albicans. Bất cứ nguyên nhân gì tiêu diệt vi khuẩn âm đạo tạo ra độ toan đều làm cho nấm phát triển, ví dụ dùng thuốc kháng sinh dài hạn, thường xuyên thụt rửa âm đạo, xịt nước hoa…
– Có màu xanh hơi vàng và mùi hôi: Nếu kèm đau bụng dưới nữa thì cần đi khám ngay vì có thể do nhiễm khuẩn cấp ở tử cung, ở 2 vòi trứng và các mô xung quanh. Bệnh lý này có thể không có nguyên nhân rõ ràng nhưng thường lan truyền từ âm đạo, từ quan hệ tình dục, đôi khi từ dụng cụ tử cung hoặc sau nạo thai, sẩy thai.
Triệu chứng còn có thể gặp nữa là gai rét, ra kinh không đều hay ra máu giữa kỳ, đau bụng kinh nhiều hơn, mất kinh, đau vào thời điểm rụng trứng nhiều hơn, đau khi quan hệ tình dục, ra máu sau quan hệ tình dục, đau vùng thắt lưng, mỏi mệt, ăn kém ngon, buồn nôn và có thể kèm nôn hoặc không, tiểu vặt nhiều lần, tiểu buốt, dễ đau khi đụng chạm vào vùng tiểu khung.
– Hôi kèm ngứa, rát: Có thể bị viêm âm đạo do trùng roi trichomonas. Khi mất cân bằng hệ vi sinh tức là bị loạn khuẩn âm đạo, nếu lại thêm cả nhiễm khuẩn sẽ là viêm âm đạo do loạn khuẩn. Biểu hiện của rối loạn này là các khó chịu như ngứa, đau rát hay mùi hôi.
– Màu đỏ hay nâu và đôi khi có ra máu giữa kỳ: Cần đi khám để loại trừ ung thư cổ tử cung. Bệnh nguy hiểm này thường không có những dấu hiệu hay triệu chứng sớm, vì thế điều quan trọng là cần xét nghiệm tế bào âm đạo và cổ tử cung ít nhất mỗi năm 1 lần cho phụ nữ từ độ tuổi 40 trở lên, người có yếu tố nguy cơ (gia đình có người đã từng bị ung thư, quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, bị viêm nhiễm âm đạo) thì cần làm sớm hơn.
Khi xuất hiện các dấu hiệu đã nói thì có thể bệnh đã tiến triển. Các dấu hiệu và triệu chứng để nhận biết là ra huyết trắng bất thường (không phải vào ngày có kinh) hoặc ra máu âm đạo ít, ngoài kỳ kinh, đau và ra máu khi quan hệ tình dục.
Do đó, khi thấy có biểu hiện có các triệu chứng khó chịu như ngứa rát, tiểu đau, giao hợp đau kèm theo tính chất huyết trắng thay đổi thì nên đi khám phụ khoa để xác định nguyên nhân, Nếu không có bất cứ triệu chứng khó chịu nào, người phụ nữ sau khi có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng.
hara đã bình luận
bác sĩ ơi cho em hỏi.
em bình thường hay ra dịch có màu hơi vàng, nhưng hết kinh nguyệt thì có dịch màu trắng, sau ít ngày thì lại có dịch màu vàng trở lại. nhưng khi có dịch màu vàng thì lại có mùi nữa. nhưng em tahy61 bình thường hok có ngứa gì hết. dạ bác sĩ ơi như vậy em có bệnh gì về sức khỏe hay không vậy?
Mèo con đã bình luận
Tôi là người có gia đình, có thời gian tôi bị viêm nấm cadida, sau đó tôi điều trị hết. Trong thời gian điều trị tôi có dùng thuốc uống và rửa ở ngoài âm đạo, và bác sĩ khuyên tôi nên dùng nước rửa hằng ngày, 1 đến 2 lần, nhưng về sau tôi cảm thấy âm đạo mình bị khô, khi quan hệ cảm giác khô âm đạo rất nhanh mặc dù có màn dạo đầu, Xin hỏi mẹ yêu con tôi có nên hạn chế dùng nước rửa như vậy không?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Không cần thiết sử dụng nước rửa âm hộ và băng VS hàng ngày. Trong 1 vòng kinh thường chỉ ẩm ướt khoảng 1 tuần giữa kỳ thời gian rụng trứng và 3 ngày trước khi chuẩn bị hành kinh. Để dịch âm đạo bài tiết tốt khi "quan hệ" bạn phải đánh giá SK cả về thể lực và tinh thần, còn tùy theo tuổi để dùng 1 số sản phẩm chức năng giúp mang lại sinh lực cũng như ham muốn. SỨC KHỎE SINH SẢN là khái niệm SK toàn diện, thường sau tuổi 35 có chiều hướng giảm sút ham muốn, chưa kể đến nhiều vấn đề áp lực trong công việc và lo toan đời sống gây căng thẳng Stress thì thường "khô" sớm.
janet đã bình luận
em và bạn trai có quan hệ với nhau khoảng cuối tháng 8, lúc đó anh ấy còn mặc quần trong còn em thì không. đến tháng 9, em phát hiện mình không có kinh và em đã mua que thử thai để thử, kết quả là âm tính. khoảng đầu tháng 10 đến cuối tháng 10 em có mua que thử mỗi tuần một lần, đến nay em đã thử 4 que nhưng kết quả vẫn âm tính. nhưng em phát hiện vú có hiện tượng tiết sữa. tháng 9, khi em nặn thì sữa vẫn có rất nhiều, giữa tháng 10 thì ít đi, khi nặn chỉ còn vài giọt rất nhỏ, nhưng chỉ được vài ngày thì sữa nhiều trở lại. khoảng tuần thứ 2 tháng 11, sữa ít đi lần nữa nhưng khoảng hơn 1 tuần, đến bây giờ thì sữa đã bắt đầu nhiều lại.
về kinh nguyệt thì tháng 9 em không có kinh, tháng 10 thì khoảng giữa tháng, còn tháng 11 thì hôm nay mới có. em vốn có kinh nguyệt không đều.
Vậy em muốn hỏi như thế, em có thể có thai không hay chỉ là hiện tượng mang thai giả? nếu là hiện tượng mang thai giả thì tại sao sữa cứ lúc thì có ít, lúc thì có nhiều như vậy? phải làm cách nào để không còn hiện tượng tiết sữa nữa?
Thành thật cám ơn
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Nội tiết của bạn có vấn đề nên kinh nguyệt thất thường và tiết sữa. Bạn nên đi khám và điều trị kẻo khó có con.
Făngxê : đã bình luận
Chào bác sỹ. Em vừa đi siêu âm về và kết quả siêu âm làm em rất lo lắng, mong bác sỹ cho em lời khuyên (Vì nhiều lý do, xin phép bác sỹ không nêu email của em lên. Em xin cảm ơn)
Theo kết quả siêu âm thì BPD (ĐK lưỡng đỉnh): 74mm;
FL (CD xương đùi): 47mm;
APTD (ĐK TS bụng): 71mm;
TTD (ĐK ngang bụng): 73mm;
Cân nặng: 1270g.
Thai tương đương 28 tuần 5 ngày. Và người siêu âm kết luận bé của em đầu to, chân rất ngắn, sau này sẽ cực kỳ thấp, lùn.
Sau đó 5 ngày, em có đi siêu âm lại để kiểm tra, kết quả là:
BPD (ĐK lưỡng đỉnh): 74.5mm;
FL (CD xương đùi): 49.4mm;
Chu vi vòng đầu: 231mm;
Chu vi vòng bụng: 255mm;
Chiều dài gan bàn chân: 45.4mm.
Thai tương đương 28 tuần. Bác sỹ siêu âm kết luận bình thường, không có hiện tượng trên.
Em rất phân vân, không biết kết quả nào đúng? Thai của em như thế có bình thường không? Và nếu con em chiều dài xương đùi ngắn thật thì em phải bổ sung những gì để con em cao hơn? Em có cần uống canxi không (dạng ống hay dạng viên?).
Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sỹ. Em xin cảm ơn trước.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Theo MYC có thể là bình thường, nếu biết ngày Kinh cuối cùng và vòng kinh thì mới tính được chính xác tuổi thai, từ đó mới so sánh với các chỉ số phát triển để đánh giá thai phát triển tốt hay không. Còn tuổi thai 28 tuần mà máy SÂ báo là do cài đặt phần mềm tự động dựa trên chỉ số đo được mà tính ra số tuần tuổi tương đương thôi.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Theo MYC có thể là bình thường, nếu biết ngày Kinh cuối cùng và vòng kinh thì mới tính được chính xác tuổi thai, từ đó mới so sánh với các chỉ số phát triển để đánh giá thai phát triển tốt hay không. Còn tuổi thai 28 tuần mà máy SÂ báo là do cài đặt phần mềm tự động dựa trên chỉ số đo được mà tính ra số tuần tuổi tương đương thôi.