Có kinh nguyệt là dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy bạn gái đã bước vào tuổi dậy thì và cho thấy khả năng sinh sản của phụ nữ. Trong trường hợp chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn thì đó là một điều đáng lo ngại. Sự rối loạn ấy sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
1. Ý nghĩa của kinh nguyệt và chu kỳ kinh nguyệt đối với khả năng thụ thai ở người phụ nữ
Ai cũng biết rằng kinh nguyệt là một phần trong đời sống sinh lý của chị em phụ nữ, là một yếu tố liên quan mật thiết đến sức khỏe và chức năng sinh sản của nữ giới. Hành kinh xuất hiện khi bạn đã bước sang tuổi dậy thì. Trung bình có khoảng 500 lần hành kinh trong cả cuộc đời. Trong vòng 2 – 3 năm đầu khi mới hành kinh, do chức năng của buồng trứng chưa phát triển hoàn thiện nên việc hành kinh vẫn chưa đi vào chu kỳ đều đặn, nhưng sau đó nó sẽ hoạt động theo quy luật nhất định, được gọi là “chu kỳ kinh nguyệt”.
Phần lớn chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 28 – 30 ngày, có thể nhanh hơn hoặc chậm đi 3 – 5 ngày, thời gian hành kinh trung bình vào khoảng 3 – 5 ngày với tổng lượng máu chảy ra của kỳ kinh hàng tháng từ 50 – 80ml. Tính chất máu kinh có màu đỏ sẫm, không đông, có nhiều chất vụn của tế bào niêm mạc âm đạo – tử cung và nhiều vi khuẩn có sẵn trong âm đạo. Để có thể thụ thai thì phải tạo cơ hội cho trứng và tinh trùng gặp nhau. Đối với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều, thông thường mỗi tháng sẽ có 1 trứng từ 1 trong 2 buồng trứng rụng vào giữa chu kỳ để chuẩn bị cho việc thụ thai, song khả năng thụ thai của trứng khá ngắn, tối đa là 1 ngày tính từ thời điểm trứng rụng.
Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn nằm trong những “tiêu chuẩn” trên thì có thể gọi là bình thường, và tất nhiên khi kinh nguyệt ổn định, trứng rụng đều đặn thì khả năng thụ thai, tiến tới sinh sản của bạn sẽ rất cao.
2. Trường hợp rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng của nó tới hiếm muộn
Nếu tính chu kỳ của kinh nguyệt bị phá vỡ, không theo một quy luật nhất định thì có thể bạn đã mắc chứng rối loạn kinh nguyệt. Hiện tượng này thường đến trước hoặc sau 7 ngày hoặc không có quy luật. Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt là hành kinh không đúng định kỳ (không đều kinh), lượng máu kinh ra nhiều hoặc quá ít, dây dưa mãi không sạch, kéo dài từ 10 ngày trở lên với máu có màu đen sẫm hoặc đỏ nhạt.
Các chuyên gia về sức khỏe sinh sản cho biết, hiếm muộn không phải do rối loạn kinh nguyệt gây ra, mà là do một hoặc một số bệnh trong cơ thể như noãn sinh trưởng bất thường, tắc ống dẫn trứng, viêm nhiễm âm đạo, u xơ tử cung… khiến cho kinh nguyệt không đều và không thụ thai được. Nói cách khác, rối loạn kinh nguyệt mà điển hình là việc hành kinh không đều chính là tín hiệu không thể thụ thai, dẫn đến hiếm muộn, thậm chí là vô sinh ở nữ giới.
Bên cạnh đó, rối loạn kinh nguyệt còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân thuộc về thói quen, nếp sống, tâm trạng của từng người như tinh thần không ổn định, căng thẳng trong công việc, trong học tập, trong môi trường sống, điều kiện làm việc, tình cảm riêng tư; sống thiếu nề nếp; mất cân đối về dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu chất đạm, thiếu vitamin, chủ yếu là nhóm vitamin có liên quan trực tiếp đến hoạt động nội tiết sinh dục như vitamin A, C, E; thói quen hút thuốc, uống rượu…
Nếu bạn rơi vào trường hợp rối loạn chu kỳ kinh nguyệt thì bạn cần đến kịp thời đi thăm khám và nhận tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa, bởi vì nguy cơ vô sinh – hiếm muộn từ những phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt là rất cao.
3. Phòng tránh rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
– Với phái nữ chúng ta, kinh nguyệt là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh lý bình thường. Vì vậy, mỗi phụ nữ cần có những kiến thức cơ bản về nó để có thể tự chăm sóc mình và ứng phó kịp thời với những bất thường có thể xảy ra.
– Cần tạo cho mình một lối sống thoải mái, xây dựng chế độ ăn uống, học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng thần kinh và stress trong cuộc sống.
– Vệ sinh phụ nữ đúng cách để tránh viêm nhiễm sinh dục, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục tác động xấu tới kỳ kinh và dễ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
– Có thể dùng cố định một loại thuốc điều kinh hợp với cơ thể bạn để vừa giúp ích cho sức khỏe, da dẻ được hồng hào, vừa tác động tích cực vào chu kỳ kinh nguyệt, giúp nó trở nên ổn định hơn.
4. Làm gì khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn bị rối loạn
– Trường hợp chứng rối loạn chu kỳ kinh của bạn do bệnh tật gây ra: đầu tiên, bạn cần phải được kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa, trong đó ưu tiên kiểm tra siêu âm – một trong những phương pháp giúp chẩn đoán nhiều bệnh đường sinh dục dễ dàng, nhanh chóng, không xâm lấn, rẻ tiền mà độ chính xác khá cao. Chỉ khi truy ra nguồn gốc của bệnh, bác sỹ mới có thể giúp bạn điều trị dứt điểm theo nguyên tắc bệnh nào uống thuốc ấy.
Và nên lưu ý rằng việc uống thuốc cũng phải tùy theo lứa tuổi (như tuổi dậy thì, tuổi sinh nở, tuổi mãn kinh), ở mỗi độ tuổi khác nhau thì cách sử dụng thuốc cũng không giống nhau. Đừng bao giờ tùy tiện đoán bệnh mà dùng thuốc, hãy tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa để trị bệnh tận gốc, trả lại cho bạn một chu kỳ kinh nguyệt ổn định và “xóa đi” nguy cơ hiếm muộn có thể gặp phải.
– Trường hợp rối loạn kinh nguyệt “sinh ra” từ chính thói quen, lối sống và vấn đề tinh thần nơi bạn: hãy nỗ lực thay đổi bằng cách kiêng rượu, thuốc lá và các chất kích thích nguy hại; tăng cường vitamin, chất khoáng, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể; chú ý ổn định tinh thần, cân bằng cuộc sống… kết hợp điều trị cao ích mẫu hay phụ huyết khang… trong 3 – 5 chu kỳ. Nếu sau một thời gian vẫn chưa có kết quả thì bạn nhất thiết phải đến xin tư vấn của bác sỹ và nhanh chóng điều trị dứt điểm, tránh nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình bạn.
gautruccb đã bình luận
Chào chương trình
Em có vấn đề này mong được tư vấn của chương trình và bác sỹ Hương.
Em có 1 bé dược 4 tuổi và nay em muốn sinh thêm 1 bé nữa. Nhưng 1 năm trở lại đây sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai (đang cho con bú) chu kỳ của em bi rối loạn. Lúc thì 2 tháng mới có. Ngày 19/5 em có đi siêu âm kiểm tra thì không thấy có hiện tượng gì bất thường trong tử cung, và có 1 trứng đang phát triển kích thước 18mm. Đến ngày 21/5 em thấy có HK. Ngày 28/6 em có HK, đến 4/9 mới có lại, lượng kinh ra không nhiều và có màu đen. Đến hôm nay 25/9 em thấy đau bụng trái và lại thấy có HK, lần này không đậm như lần trước mà trông tươi hơn.
Vậy cho em hỏi với hiện tượng như vậy thì em bị làm sao và phải làm gì để có thể có thai.
Em xin chân thành cảm ơn và mong tư vấn của chương trình sớm.