Đây chính là tuần thứ 2 của thai nhi tính từ khi bạn chính thức thụ thai. Lúc này, em bé của bạn đang là một phôi thai và sẽ di chuyển từ vòi trứng vào tử cung. Phôi sẽ tìm một vị trí phù hợp để bám vào thành tử cung. Khi đã “chắc chân”, phôi bắt đầu tách thành 2 nhóm tế bào: một nhóm phát triển thành nhau thai còn nhóm kia sẽ phát triển thành cơ thể em bé.
Tại thời điểm này, kích thước của phôi chỉ to bằng cái đầu kim. Những thai nhi khác nhau thì có kích thứơc khác nhau từ 0,36 mm đến 1mm. Phôi có 3 lớp, lớp trong cùng gọi là lá phôi trong, phần này sẽ phát triển thành phổi, gan và hệ thống tiêu hóa… của bé. Phần giữa gọi là lá phôi giữa, phần này sẽ phát triển thành xương, cơ, thận, bộ phận sinh dục và tim… Phần ngoài cùng là lá phôi ngoài, sẽ tạo nên các mô và các cơ quan như: da, tóc, mắt và hệ thần kinh.
Nếu phôi không tìm được chỗ nào an toàn để bám vào thành tử cung, trứng đã thụ tinh sẽ thoát ra ngoài khi bạn có kinh nguyệt (vào khoảng cuối tuần thứ 4 này). Đôi khi, điều này xảy ra nhưng bạn không hề biết là mình đã có thai. Ngược lại, nếu phôi đã bám được vào thành tử cung, nhưng sau đó vì lý do nào đó phôi lại không bám được nữa, bạn có thể sẽ thấy như bị băng kinh (ra máu rất nhiều), có thể kéo dài đến 10 ngày. Hiện tượng này gọi là bị sẩy thai.
Thể vàng
Khi bạn rụng trứng, trứng rời khỏi buồng trứng. Khu vực trên buồng trứng, nơi chứa trứng được gọi là thể vàng. Nếu bạn có thai thì nó được gọi là thể vàng của thai kỳ. Thể vàng được hình thành ngay sau khi trứng rụng tại vị trí nang bị vỡ và nhả trứng ra. Nhìn bề ngoài, nó giống như túi chất lỏng, trên buồng trứng. Nó trải qua một sự phát triển nhanh về các mạch máu trong quá trình chuẩn bị sản sinh ra các hoocmon, chẳng hạn như progesteron nhằm hỗ trợ quá trình mang thai trước khi nhau thai tiếp quản.
Thể vàng được cho rằng rất cần thiết trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, vì nó có chức năng sản xuất ra progesteron. Vào khoảng tuần thứ 8 cho đến tuần thứ 12 của thai kỳ, nhau thai mới tiếp quản chức năng này. Thể vàng chỉ có thể kéo dài trong khoảng thời gian là 6 tháng của thai kỳ, tuy nhiên khi chúng teo lại thì vẫn có thể tìm thấy được trong suốt thai kỳ. Các ca mang thai vẫn có thể thành công khi thể vàng được tiêu đi do có những túi nang đã vỡ trong thời gian của ngày thứ 20 sau một chu kỳ kinh hoặc trong thời gian của quá trình cấy ghép.
Đây là lúc bạn thử thai
Lúc này, nếu bạn tiến hành thử máu, hoặc thử nước tiểu sẽ cho kết quả dương tính, vì phôi thai sẽ tiết ra chất hCG (human Chorionic Gonadotropin) là hoóc môn sinh sản. Thử nước tiểu chính là thử sự có mặt của hoóc môn này, tuy nhiên phương pháp thử nước tiểu thường không chính xác bằng thử máu.
Có phải bạn đang thực sự có thai không?
Nếu bạn cảm thấy xuất hiện các triệu chứng như: Ngực căng, đau xương, mệt mỏi, buồn nôn và nhiều dấu hiệu khác giống như lúc bạn có kinh nguyệt, hoặc bạn cảm thấy rất thèm ăn một loại thực phẩm nào đó thì cũng là dấu hiệu báo cho bạn biết là mình đã có thai.
Vào thời điểm này, việc mang thai của bạn vẫn chưa thể hiện ra bề ngoài cơ thể. Bạn chưa tăng cân và các vòng đo cũng chưa có gì thay đổi.
Bạn nên kiêng kị như thế nào vào thời gian này?
Bạn đặc biệt cần tránh ăn phomát mềm, thịt hun khói và các loại thức ăn chưa được nấu chín, vì các thức ăn này thường chứa nhiều vi khuẩn, gây tổn hại đến phôi thai và thậm chí có thể dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, bạn cũng không nên uống rượu, bia, các loại nước có ga và không sử dụng ma túy, hút thuốc lá, hạn chế sử dụng cà phê, chè, tránh làm việc quá sức…