Tuy sự thật của vụ việc chưa rõ ràng nhưng sau khi phụ huynh ở Hà Nội tố cô giáo dùng băng dính dán vào vùng kín của bé vì cháu dùng giấy lau vệ sinh, nhiều độc giả có con nhỏ đã bày tỏ sự lo ngại về chuyện tương tự đối với con họ khi ở trường.
Chị Duyên nhà ở khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội, là người đầu tiên gọi điện đến bày tỏ những bức xúc về chuyện này. Theo chị, tuy không bị dán băng dính như phản ánh của người mẹ ở quận Đống Đa, con gái 5 tuổi của chị cũng bị cảnh ngăn tiêu cấm tiểu tương tự.
Chị Duyên cho hay, con chị đang học tại một trường mầm non tư thục. Thấy con thỉnh thoảng lại hăm đỏ vùng kín và hay đi tiểu dắt, sợ con bị nóng trong người nên chị hay mua các loại lá cây mát về cho bé uống. Thế nhưng tình trạng này thỉnh thoảng vẫn tái lại. Chị để ý thấy khi đi học về, đáy quần của con thường ẩm ướt. Bé kể ở trường các bạn tự đi vệ sinh, và sau khi tiểu tiện thì không được dùng giấy lau khô.
Bố mẹ góp ý với cô giáo, được giải thích “ở trường không có điều kiện cho con dùng giấy vệ sinh, vì các cháu hay nghịch, xé giấy, lại có thể cho giấy vào bồn cầu gây tắc”. “Mình chẳng biết phải làm thế nào, đành mỗi ngày đưa một chiếc khăn xô sạch, hướng dẫn con cách lau rồi nói khó với cô là cháu hay bị hăm, tiểu dắt nên cần giữ vệ sinh, cô để cháu tự lau và để ý nhắc nhở giúp”, chị Duyên nói.
Trên một diễn đàn về chăm sóc, nuôi dạy trẻ, một phụ huynh chia sẻ con gái chị học một trường mầm non khá nổi tiếng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, và bị cô giáo cấm không cho đại tiện ở lớp.
“Bé đi học được nửa tháng thì bị táo bón nặng, đến bác sĩ khám, chụp phim thì bị phình đại tràng do hay nhịn đi ngoài, phải thụt tháo mãi mới hết. Cháu cho biết là cô giáo cấm cả lớp không ai được ị ở trường, mà mẹ lại hay đón muộn nên cháu quên cả phản xạ”, phụ huynh kể. Sau “tai nạn” này, chị đã phải chuyển con sang một trường khác.
Tại TP HCM, nhiều phụ huynh cũng cho rằng các cô chưa thực sự chăm sóc các bé như bố mẹ mong muốn trong vấn đề tiêu tiểu. Phản ánh nhiều nhất là bố mẹ có con đang học ở các trường công lập vốn có lượng học sinh ở mỗi lớp từ 40 bé trở lên.
Chị Tuyết, có con gái đang học tại một trường mầm non công lập ở quận 5 nói, đừng nói đến chuyện lau cho trẻ sau khi tiểu, bé nhiều hôm thậm chí mặc chỉ một bộ đồ từ trưa đến chiều mà không được cô thay. “Còn chuyện bé tiểu xong không được lau không có gì lạ. Hôm nào quần con tôi cũng ngây ngấy. Bé bảo có giấy nhưng cô chẳng bao giờ lau cho”, người mẹ kể.
Nhiều lần phản ánh với ban giám hiệu về chuyện vệ sinh thân thể của con gái, chị Hà nhà ở quận Gò Vấp trở thành người chuyên đề cập chuyện “tiểu tiện” của các bé trong các cuộc họp phụ huynh. “Không phản ánh sao được khi con tôi bảo sau khi đi vệ sinh, cô dùng chân để rửa khiến bé bị trầy xướt chỗ kín”.
Còn chị Hảo ở quận 12 cho biết, ngay sau khi nghe thông tin “phụ huynh tố cô giáo dán băng dính chỗ kín của trẻ”, lo lắng chị hỏi con gái. Bé hồn nhiên: “Chúng con tự đi vệ sinh, tự rửa rồi vào, cô đâu có biết đâu mà lau giúp”.
Thừa nhận chuyện phạt trẻ bằng dán băng vùng kín là không đúng, song nhiều giáo viên mầm non thừa nhận, chăm trẻ đi vệ sinh là vấn đề tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Lý do thứ nhất bởi lớp học đông, các cô quá nhiều việc nên không thể lo xuể. Thứ hai, nhiều trẻ tinh nghịch và ít chịu nghe lời cô hướng dẫn.
“Làm sao một cô có thể chăm gần 30 cháu và lau chùi cho hết các bé khi cứ vài phút lại có một em xin đi vệ sinh”, cô Uyên giáo viên mầm non tại quận 6, nói.
Phản đối chuyện cấm học sinh đi vệ sinh hoặc bỏ bê các bé, song nhiều giáo viên mầm non cho rằng, phụ huynh nên hiểu và giúp cô giáo trong việc dạy bảo các bé.
“Chứng kiến cảnh một cô giáo phải chăm vài chục trẻ, vừa cho ăn, chơi, ngủ, chăm đi vệ sinh, bố mẹ mới hiểu cho những khó khăn nhất định của cô giáo. Trẻ luôn hiếu động, có em thậm chí trong 10 phút mà đã xin đi vệ sinh 3 lần”, cô Hà, một giáo viên nhà ở quận 3, TP HCM, vừa nghỉ hưu nói.
Bà Hồng Mai, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Long Biên, Hà Nội, cũng cho rằng, mỗi ngày các cô giáo phải làm quá nhiều việc và không đủ tay chân để có thể đảm bảo vệ sinh vùng kín cho từng bé trong lớp. Tại trường cô Mai, hai cô giáo chỉ phụ trách 15 học sinh.
“Với chúng tôi, sự an toàn của trẻ là ưu tiên hàng đầu. Còn việc giữ vệ sinh cũng rất cần thiết, nhưng chỉ riêng việc thay quần áo, rửa tay, mặt mũi, cho các con súc miệng nước muối… các cô cũng đã phải quay như chong chóng, làm sao làm xuể cả việc lau rửa vùng kín cho từng cháu”, bà Mai nói.
Bà cho biết, các phụ huynh thường thấy thời gian trẻ ở trường rất nhiều, nhưng thực tế, trong khoảng đó các cô phải lo cho trẻ ăn 4-5 bữa, rồi tổ chức học, chơi… Đó là chưa kể hôm nào cũng có phụ huynh gửi thêm sữa bột, thuốc… cho con và nhờ các cô cho uống.
“Ở trường tôi, các cháu đều không được dùng giấy lau sau khi đi vệ sinh, và phụ huynh cũng rất thông cảm. Chỉ có bố mẹ của một hai cháu cẩn thận đưa riêng khăn của con rồi nhờ cô lau hộ sau khi đi vệ sinh, các cô cũng nhiệt tình giúp”, bà Mai nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, việc nín tiểu hoặc không giữ vệ sinh vùng kín dễ khiến các bé bị viêm nhiễm đường tiết niệu.
“Trong môi trường bán trú, nếu các bé đi vệ sinh nhiều lần mà không được lau chùi, nguy cơ bị bệnh càng cao hơn. Chính vì thế, không chỉ cô giáo mà ngay cả phụ huynh cũng phải chú ý lau rửa cho các bé mỗi khi bé ở trường về và mỗi sáng trước khi thức dậy. Điều quan trọng nhất để hỗ trợ các cô là mẹ nên dạy con cách lau chùi hoặc rửa chỗ kín đúng cách sau khi đi vệ sinh”, một bác sĩ nói.