Đã có không ít cha mẹ kêu ca rằng con mình cứ ra khỏi nhà là rúm lại, bám chặt lưng mẹ, nhát ơi là nhát…. Ai hỏi thì trả lời lí nhí. Bảo hát chả hát, ở nhà thì hát hết bài nọ đến bài kia. Trong trường hợp này, họ rất muốn đứa con mình bạo dạn hơn, nhưng thực hiện mong muốn đó bằng cách nào đây?
Không ít lần, tôi thấy bạn bè xung quanh kêu ca về một hiện tượng phổ biến đối với các bé tuổi mẫu giáo (từ 3 tuổi trở lên), là con quá nhút nhát.
Trẻ nhút nhát gặp nhiều bất lợi
Sự nhút nhát có thể là hậu quả của quá trình lâu dài với những tác động không phù hợp của người lớn: thái độ lạnh nhạt trước một bào thai “không mong đợi” (chưa muốn có con, giới tính không như ý…); không đáp ứng tốt các nhu cầu của bé trong giai đoạn sơ sinh; hù dọa khiến con khiếp nhược, không kịp thời hỗ trợ khi trẻ khó hòa nhập với người xung quanh; “dán nhãn” yếu kém cho trẻ; thường chê trách thay vì động viên; bảo bọc con cái quá đáng trong “vùng an toàn”; dạy con quá cứng rắn…
Trẻ rụt rè, nhút nhát thường cô đơn và cố thủ trong thế giới riêng. Nếu không được khắc phục, càng lớn trẻ càng khó khăn hơn trong các mối quan hệ; trong chọn trường, nghề, ngành học; khó tự lập và gánh vác trách nhiệm (công việc, gia đình, xã hội); bị người khác lấn lướt, không được người khác thấu hiểu khiến bỏ qua nhiều cơ hội; khó tìm được hạnh phúc trong tình yêu, cuộc sống hôn nhân…
Trị bệnh nhút nhát của con
Không ít bậc phụ huynh thắc mắc trẻ nhút nhát phải làm sao? Làm sao để con tự tin? Làm sao để con không chỉ “oai hùng” ở nhà mà còn bạo dạn khi ra ngoài? Để giải quyết những thắc mắc đó, cha mẹ nên làm một số việc dưới đây để giúp con trẻ bạo dạn hơn:
1. Chuẩn bị tâm lý:
Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho mình và cho con khi đối mặt với những điều mới lạ trong cuộc sống, trấn an và kịp thời chia sẻ khi trẻ gặp trở ngại, hỗ trợ trẻ tự giải quyết vấn đề của mình.
2. Dạy con giao tiếp cởi mở và gần gũi:
Lập một danh sách các cuộc trò chuyện cởi mở đơn giản mà con có thể tham gia cùng các nhóm khác nhau, ví dụ như: con có thể nói gì với người đã quen, với người chưa hề quen, một người bạn lâu không gặp, một học sinh mới hay một người bạn con thường cùng chơi ở sân… Sau đó, lần lượt cho con “thực hành” cho đến khi con cảm thấy thoải mái khi nói một mình.
3. Không dọa nạt:
Dọa nạt dễ tạo sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý sau này của con em. Vì vậy, cha mẹ cần nhớ không được dọa nạt trẻ.
4. Tạo cơ hội:
Tạo cơ hội và hỗ trợ làm tăng khả năng thích ứng cho trẻ trước nhiều bối cảnh, môi trường khác nhau, với nhiều người khác nhau (bạn cùng lứa, người lớn, người già…). Philip Zimbardo – một chuyên gia có tiếng, đề nghị nên cho những đứa trẻ nhút chơi với trẻ nhỏ tuổi hơn những trò chơi ngắn và đơn giản. Điều này giúp trẻ thực hành dần các kỹ năng xã hội bằng cách bắt đầu một cuộc trò chuyện, quan sát và cố gắng học theo bạn…
5. Đừng đòi hỏi sự hoàn thiện:
Những người nhút nhát tin rằng việc biết giao tiếp một cách nhẹ nhàng là do thế mạnh, năng lực đặc biệt của cá nhân. Nên làm trẻ hiểu rằng quan hệ bạn bè không đòi hỏi sự hoàn thiện, và bạn cũng đừng đòi hỏi ở con qúa nhiều.
6. Đề nghị giáo viên giúp đỡ:
Một giáo viên tinh tế và sẵn lòng giúp đỡ đôi khi làm đứa trẻ nhút nhát trở nên mạnh dạn hơn.