Ở lứa tuổi mẫu giáo, sẽ có nhiều thời điểm bạn sẽ ở trong tình trạng vô cùng khó chịu với tính ương bướng của “cục cưng” nhà mình. Thật khó có thể giữ được sự bình tĩnh và tỉnh táo trong những trường hợp như vậy nêu bạn không hiểu rõ về hiện tượng này ở trẻ.
Bé Bum đã được 30 tháng, con lớn và cứng cáp hơn các bạn trong cùng độ tuổi, và được nhiều người khen con trông “người lớn” như một bạn bốn tuổi. Tuy nhiên , Bum khiến cho cả nhà “đau đầu” chỉ vì cái tính rất ngang bướng của cu cậu, bằng những cơn bực tức “nẩy lửa” và thói ăn vạ “vô đối”.
Muốn cái gì, Bum phải đòi cho bằng được, còn nếu không được đáp ứng thì cu cậu gào lên và lăn ra ăn vạ bất kể nền đất hay nền gạch ở nhà khiến cho bố mẹ đôi khi “phát ngượng” với những người xung quanh. Đến lớp, mẹ cũng nghe cô giáo kể về “chiến tích” giật tóc các bạn trong lớp hay “nói hỗn” khi bị nhắc nhở.
Hôm đi siêu thị, Subi tạo ra một sự ồn ào nho nhỏ khi đột nhiên “lăn quay” ra trước quầy đồ chơi trẻ em khi… bố không đồng ý mua cho bé bộ xếp hình ưa thích. Vốn được tiếng là ngoan ngoãn, nhưng gần đây, những cơn giận hờn bột phát như vậy của con cũng làm người thân bối rối. Ăn vạ, thậm chí đập đầu xuống đất, rồi nói bậy, là những hành vi thường xuyên xảy ra của con làm rối lòng cha mẹ.
Giải mã những cơn bướng bỉnh của con
Tật bướng bỉnh không còn xa lạ với những con ở tuổi mẫu giáo, nó tưởng chừng không có căn nguyên, nhưng nếu bạn “suy xét” kỹ, con yêu của chúng ta thường “thay tính đổi nết” vào những giai đoạn sau đây:
– Khủng hoảng lứa tuổi lên ba hoặc các giai đoạn có sự chuyển đổi về tâm sinh lý của con trẻ.
– Sự thay đổi môi trường như chuyển chỗ ở, tới lớp mẫu giáo lần đầu tiên, hay khi bố mẹ gửi bé về quê cùng ông bà nội ngoại.
– Do có những mối liên hệ mới như một người bạn cùng khu chung cư, hay một người bạn học mới ở lớp mẫu giáo của con.
– Được nuông chiều như một cục vàng cũng là căn nguyên khiến các cơn bướng bỉnh của con tăng lên theo cấp số nhân.
Nghệ thuật làm lơ với “cái rốn vũ trụ”
Với con, bướng được chú ý và nuông chiều là một thứ con có thể nhận thức được. Nếu một lúc nào đó con thấy mình bị “kém tập trung” sự chú ý, con sẽ gây sự chú ý bằng… sự bướng bỉnh. Trong trường hợp như vậy, cách lựa chọn tốt nhất là các bậc phụ huynh hãy “làm lơ”, thậm chí không hề dỗ dành khi thấy con nước mắt ngắn nước mắt dài, hoặc đưa ra so sánh như: “Ôi, bạn Sóc ngoan nhất xóm mình, bạn ấy chả bao giờ ăn vạ đâu!” hay “Ồ, bạn kia sao tự dưng ăn vạ, trông xấu xí thế!”. Khi bị bỏ quên tạm thời, con không còn cách lựa chọn nào khác là hạ cơn nóng giận.
Đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng lứa tuổi
Cha mẹ thường xuyên dành thời gian trò chuyện với con hay cuối tuần thì cho con đi chơi ở các nơi vui chơi công cộng để con được giao lưu với các bạn khác để giúp con cộng tác tốt và ứng xử hài hòa với mọi người xung quanh.