Một thói quen xấu của rất nhiều trẻ là thói quen bừa bãi, cẩu thả. Thói quen xấu đó càng có cơ hội phát triển khi trẻ quen sống ở một môi trường bừa bộn, dễ dãi, hoặc do trẻ quá được nuông chiều, bố mẹ các trẻ không giáo dục cho con cái tính tự lập, tính nguyên tắc từ nhỏ…
Căn “bệnh” này mà “di căn” thì không chỉ gây hại cho con mà còn hại cho người khác. Vậy nên, cha mẹ phải ra “luật” với con ngay từ nhỏ. Sau đây là một vài cách để bạn có thể “trị bệnh” cẩu thả cho con:
– Tạo góc học tập sinh động: Đây là việc quan trọng, tạo hứng khởi cho trẻ, kích thích tính ham học của trẻ, cũng là điều kiện để trẻ biết tự quản lý, sắp xếp sách vở, dụng cụ học tập và đồ lưu niệm của trẻ.
– Cung cấp cho trẻ tủ quần áo và quy định chỗ cất giữ đồ chơi của trẻ, bố mẹ có thể dùng thùng các-tông trang trí giấy màu thật bắt mắt để trẻ đựng đồ chơi.
– Giúp trẻ lập thời gian biểu: Thời gian biểu này áp dụng cho việc học cũng như tất cả việc vui chơi của trẻ trong một ngày. Hãy yêu cầu trẻ cam kết thực hiện đúng, đủ những đầu việc trong ngày, đã ghi chép ở thời gian biểu.
– Chuẩn bị đồ cho ngày hôm sau: Trước khi đi ngủ, hãy cùng trẻ soạn đủ sách vở cho ngày hôm sau, sắp sẵn quần áo theo lựa chọn của trẻ.
– Quy định lịch dọ dẹp định kì: Ví dụ bạn có thể quy định với trẻ mỗi thứ 7 dọn phòng bé, chủ nhật tổng vệ sinh nhà cửa. Nếu có kế hoạch đi chơi những ngày cuối tuần, cần thỏa thuận thực hiện lịch dọn dẹp định kì trước hoặc sau thời điểm đi du lịch.
– Nhắc nhở trẻ bằng lời lẽ nhẹ nhàng, hoặc để lại giấy nhắn khi bạn không có mặt, để trẻ luôn ý thức việc dọn dẹp là một nghĩa vụ, trách nhiệm trẻ cần thực hiện.
– Sắp xếp lịch gia đình khoa học: Nếu lịch sinh hoạt gia đình của bạn không theo nguyên tắc, thì không thể hy vọng con bạn tôn trọng nguyên tắc bạn đặt ra cho riêng trẻ. Cần thống nhất lịch sinh hoạt gia đình như ăn, ngủ, xem ti vi, và những hoạt động riêng của trẻ đúng giờ, khoa học, có sự đồng thuận của cả gia đình.
– Kỷ luật và khen thưởng: Đây là điều cần thực hiện khi các bố mẹ áp dụng bất cứ phương pháp giáo dục nào dành cho trẻ. Khen thưởng khi trẻ tiến bộ, nghiêm khắc và có kỷ luật phù hợp khi trẻ chống đối, không cố gắng, giúp trẻ hiểu rõ trách nhiệm và biết quản lý hành vi của mình.