Đang ngồi với khách, con buột miệng chửi lại bố “Đ.M mày” khiến cả nhà bàng hoàng và ngượng với khách. Hoặc có người phải giật mình vì đứa con trai ngoan ngoãn 5 tuổi bỗng dưng nói rất hỗn “mẹ dốt thế, mẹ chẳng biết gì” trong bữa cơm… Rất nhiều bậc phụ huynh gặp phải những tình huống như vậy mà không biết làm gì để sửa chữa tật xấu đó cho con khi mà nó đã “hằn” vào tâm hồn trẻ.
Khi trẻ được hơn 1 tuổi, trẻ đã có ý thức về những gì người lớn làm, người lớn dậy bảo, và thường ở tuổi này trẻ rất hay bắt chước người lớn từ ngôn ngữ đến hành động. Chứng kiến những cảnh cãi cọ, hay bị bố mẹ mắng lại bằng những lời nói không hay sẽ khiến trẻ cũng có hành động tương tự vì có thể chúng nghĩ rằng như thế mới đúng, mới người lớn.
Đôi khi cha mẹ coi thường việc dạy dỗ con ở độ tuổi còn nhỏ, cứ nghĩ rằng việc trẻ nói những câu bậy bạ như người lớn là hay, đáng buồn cười khiến trẻ lầm tưởng rằng chúng đang được khuyến khích và lần sau sẽ tái phạm. Quan niệm sai trái này đã khiến nhiều ông bố bà mẹ phải khổ sở vì sau này không thể sửa chữa cho bé được và trẻ càng ngày càng hỗn.
Tâm hồn trẻ thơ như một tờ giấy trắng, thế giới xung quanh tác động đến trí não của trẻ rất nhiều, do suy nghĩ còn non nớt và chưa phân biệt được đâu là đúng là sai nên trẻ rất dễ nhiễm thói xấu từ bạn bè, hàng xóm và chính người thân trong gia đình. Những thói xấu như chửi bậy, nói tục và hỗn với người lớn khi đã quen và ăn sâu trong trí não trẻ sẽ trở thành một phản ứng hoàn toàn tự nhiên khi trẻ khó chịu, cáu giận hoặc không hài lòng về điều gì đó.
Là bậc cha mẹ, để con bỏ được thói xấu này trước hết hãy làm gương cho con. Tuyệt đối hạn chế nói những lời bậy bạ, quát tháo, văng tục… khi tức giận trước mặt con. Bắt gặp con có hành vi và lời nói hỗn như cãi lại, chửi bậy phải nhẹ nhàng chỉ cho con rằng những từ đó là rất xấu, không ngoan và nếu trẻ còn nói như thế nữa thì sẽ không được bố mẹ yêu, bạn bè xa lánh…
Do trẻ còn nhỏ, hiếu động và hay bị cấm đoán nên đôi lúc trẻ luôn làm trái ngược ý bố mẹ để thỏa mãn trí tò mò và gây chú ý. Đừng bỏ mặc trẻ muốn làm gì cũng được, giải thích cho trẻ biết rằng những việc làm nào là tốt, xấu và hậu quả của những việc làm xấu để trẻ hiểu được tác hại cũng việc làm đó thay vì nói bậy hoặc cãi lại bố mẹ.
Học cách cảm ơn, xin, và xin lỗi đúng lúc là điều bố mẹ đặc biệt quan tâm vì nó thể hiện một nhân cách lịch sự và văn hóa ở một con người. Khi trẻ đã ý thức được 3 vấn đề này trẻ sẽ hiểu lời nói và hành động của mình là đúng hay sai. Những lời nói ngọt ngào, nhẹ nhàng như “dạ”, “vâng”, “ạ” luôn được khuyến khích trong gia đình.
Biết chia sẻ, lắng nghe ý kiến của con là điều vô cùng quan trọng. Khi không thỏa mãn về điều gì đó, trẻ thường hay cáu giận và ngay lúc đó có thể cãi lại, thậm chí chửi bậy không cần biết đúng hay sai. Lắng nghe, chia sẻ và phân tích cho trẻ điều hay, điều tốt để trẻ có ý thức hơn và cảm thấy rằng mình cũng thật quan trọng và được tôn trọng ý kiến. Hãy nói chuyện và chia sẻ với con như tư cách một người bạn chứ không phải người lớn vẻ trẻ nít, như vậy bạn sẽ thấy được cả thế giới của con với những ước mơ, suy nghĩ không đơn giản chút nào và có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Môi trường giáo dục trong gia đình tốt sẽ khiến con bạn có bản lĩnh và không bị xô đẩy vào những thói xấu nơi trường lớp và xã hội như chơi điện tử, game online, đánh nhau, bỏ học… Khuyến khích trẻ nói điều hay, làm điều tốt hàng ngày để con trưởng thành hơn, sống tốt hơn.