Hầu hết các bà mẹ đều yêu chiều con mình, và bạn không phải là trường hợp ngoại lệ. Nếu không muốn nuông chiều để con trẻ trở nên hư hỏng, bạn hãy học cách nói “không” với bé và phải vận dụng bài học này trong một số trường hợp cụ thể.
Có lẽ ông bố, bà mẹ nào cũng gặp những trường hợp nhạy cảm và khó xử lý, như việc bé nhất định đòi hoặc yêu cầu một điều gì đó trước đám đông hoặc trước mặt các vị khách được mời đến nhà. Không thể đáp ứng mọi điều mà bé đòi, nhưng cũng không thể diễn cảnh quát mắng hay lôi con vào trong phòng trước mặt nhiều người. Đây chính là lúc bạn phải học cách nói không với con trẻ. Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi mà mẹ bé nên có những cách ứng xử thích hợp.
Bé từ 0 – 2 tuổi: Thẳng thắn từ chối
Ở độ tuổi này, khả năng ngôn ngữ của bé chưa hoàn thiện, cũng không thể hiểu hết những lời hoa mỹ hay những đạo lý và người lớn dạy, do đó, các bà mẹ nên áp dựng cách từ chối thẳng thắn, trực tiếp trước những đòi hỏi không thể đáp ứng. Nói: “không được” hoặc lắc đầu một cách nghiêm khắc, để bé nhận biết được tín hiệu từ người lớn.
Bé từ 2 – 4 tuổi: Xử lý “lạnh”
Bé từ 2 – 4 tuổi không còn ngoan ngoãn nghe lời, mà đã bắt đầu có những dấu hiệu phản kháng mỗi khi đòi hỏi của bé bị từ chối. Bé có thể khóc, nổi loạn, không thèm ăn cơm, hờn dỗi… và trong trường hợp này, các biện pháp xứ lý “lạnh” có thể đưa vào vận dụng.
Đừng tỏ ra quá quan tâm và bỏ mặc bé một chút cũng không thành vấn đề, nếu không, bạn rất dễ bị nổi nóng theo cơn cáu giận của bé. Nên đợi đến khi người lớn và trẻ nhỏ đều đã “qua cơn”, bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích cho bé biết những điều nên và không nên.
Bé từ 4 – 6 tuổi: Răn dạy
Bé trong giai đoạn từ 4 – 6 tuổi là độ tuổi “dở dở ương ương” và có tâm lý bản thân là trung tâm của vụ trụ. Nếu như trước đây, bé có thể dễ quên đi những yêu cầu đang đòi hỏi, thì lúc này, bé thường sẽ rất kiên trì với những điều mình mong muốn. Điều này cũng có nghĩa là, mẹ bé sẽ phải đau đầu hơn khi tìm cách nói “không” trước những đòi hỏi không thích hợp của bé.
Lúc này, khả năng ngôn ngữ và trí thông minh của bé đã cao hơn nhiều so với giai đoạn 0 -2 tuổi. Đây là lúc các bậc phụ huynh có thể trực tiếp răn dạy và nói cho bé biết chuyện gì có thể làm, chuyện gì không thể làm. Nếu như khi bé còn nhỏ, một cái lắc đầu, một câu không có thể kết chuyện, thì khi bé lớn hơn, ban có thể từ từ giảng dạy, nói chuyện để bé hiểu rõ hơn nguyên nhân vì sao bạn từ chối, nếu chiều theo bé thì sẽ có những hậu quả gì… Đây không chỉ là lúc nói từ chối, mà còn là cơ hội để bạn dạy bé nhiều điều.