Ngày nay, khi con cái chuyên tâm học hành và không bị liên luỵ hay dính dáng đến các tệ nạn xã hội trong bối cảnh bùng nổ các “dịch bệnh thời đại” như ma tuý, nghiện game online, bạo lực học đường… là may mắn của gia đình, nó tạo nên một sự an tâm và hài lòng nhất định. Thế nhưng, có một điều ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự định hình tính cách con người, được bộc lộ rõ nét trong ứng xử thường ngày như lời nói, hành vi, nhiều khi các bậc phụ huynh không thể ngờ.
Nhiễm thói xấu từ người lớn
Một lần đưa con đến phòng khám tư nhân, trong lúc ngồi chờ ở phòng ngoài, tận tai tôi nghe một cháu bé mới ba tuổi phản ứng việc bác sĩ muốn nhấc tay bé lên để xem vết thương, bằng câu chửi thề: “Đ.M mày!”, tôi giật mình sửng sốt. Lúc này, tại phòng còn có nhiều phụ huynh khác cũng đang chờ khám cho con, họ cũng hết sức sửng sốt. Riêng bà mẹ trẻ thì ngượng đỏ mặt. Một lúc sau, bà mẹ này lý giải, một lần nghe chồng mình nói câu nói trên, bé đã bắt chước.
Khi nghe cháu bé “thực hành” câu nói này, ba cháu thay vì nhắc nhở, uốn nắn lại cười khiến cho con trẻ tưởng là được cổ vũ nên cứ mở miệng là… chửi. Một lần khác đến thăm nhà một người bạn, tôi cũng hết sức chói tai khi thấy cháu bé mới hai tuổi rưỡi nhưng chỉ cần ai chọc giận là văng những từ chửi bậy ra. Nguyên nhân, mẹ bé cho biết, cũng vì nghe những người hàng xóm trước nhà nói choang choảng từ này nên bé học theo…
Và không chỉ có trẻ con, thỉnh thoảng trong lớp học tôi vẫn nghe những từ đệm này được bộc phát như một thói quen do thiếu sự ý thức và kiềm chế. Dường như phải xen kẽ giữa những câu nói bình thường bằng những tiếng đệm “Đ.M”, đối với nhiều học sinh đã là điều rất ư bình thường. Những ngôn từ này, trước đây thường được dành cho những trẻ lang thang đường phố, thiếu sự giáo dục của gia đình, thế nhưng bây giờ thì khác, chốn học đường hay nơi công cộng, những cô cậu trẻ được rèn trong khuôn mẫu đạo đức và chuẩn mực sẵn sàng vượt rào và bứt phá. Cũng có những trẻ trong gia đình không bao giờ sử dụng những từ độc hại này, vậy trẻ học được những thói hư tật xấu này từ đâu, khi mà cha mẹ cảm thấy quá an tâm con mình vẫn đàng hoàng và lễ phép?
Dạy con bằng ứng xử của cha mẹ
Giai đoạn trẻ có những phát triển tâm lý giống như một tờ giấy trắng, chúng được vẽ lên những gì thì sẽ được in dấu và khắc ghi như thế. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của cơ chế tập nhiễm theo tính bắt chước mạnh trong những mối quan hệ xã hội xung quanh. Các nhà tâm lý học cho rằng, bắt chước là hình thức quan trọng của học tập xã hội. Cơ chế bắt chước lây lan thì thường bị chi phối và ảnh hưởng những điều xấu dễ hơn những điều tốt.
Môi trường đứa trẻ đang sống có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý và hành vi của chúng. Nếu những người cha người mẹ hoặc môi trường hàng xóm xung quanh mà trẻ thường xuyên tiếp xúc có thói quen văng tục, chửi thề thì chắc chắn đứa trẻ đã học những điều này từ rất sớm. Ngày tháng ăn sâu vào trong bản chất của chúng, mỗi lời nói tuôn ra như một phản xạ tự nhiên đến nỗi trẻ không nghĩ mình đang nói như thế là không lịch sự và văn minh.
Phẩm chất tinh thần trong mỗi người sẽ dễ dàng nhận thấy ở cách thức người đó giao tiếp với người khác. Vì thế, trong giáo dục dạy dỗ con cái, cha mẹ cần chú ý đến vẻ đẹp ngôn ngữ, vì con cái có thể là bản sao của cha mẹ, chúng dễ dàng bắt chước và làm theo ngôn ngữ hành động của cha mẹ. Thời kỳ trẻ bước vào tuổi dậy thì là giai đoạn thay đổi thể chất và tâm hồn rất mạnh mẽ, tâm lý phát triển rất nhanh, thế giới quan bắt đầu hình thành,… nếu người lớn lơ là và thiếu quan tâm đến giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và cảm xúc giới tính có thể dẫn đến những bốc đồng của tuổi trẻ, từ đó gây những trở ngại trong mối quan hệ giao tiếp, gây phản cảm và sự hiểu lầm từ những đánh giá của người xung quanh. Cũng có những trường hợp cha mẹ quá bận rộn mưu sinh, thời gian gặp con trong một ngày không đáng là bao nên những chuyển biến trong hành vi ứng xử của trẻ cha mẹ không đủ sự tinh ý để bắt kịp tần số thay đổi.
Môi trường học đường với mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện luôn đặt nặng giáo dục nhân cách học sinh, nhưng khi các em bước ra khỏi cổng trường không ai có thể kiểm soát được những hành vi, lời nói của các em. Gia đình hiện đại cần có sự quan tâm và đầu tư nhiều vào vấn đề giáo dục gia đình thì mới mong có thể giáo dục con cái nên người và có sự hướng dẫn để trẻ biết tự rèn luyện và tu dưỡng những hành vi ứng xử đẹp từ trong giao tiếp, có kỹ năng và bản lĩnh biết vượt qua những cạm bẫy để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.