Câu chuyện về nữ sinh đánh bạn hay những vụ án học sinh nghiện game bắt cóc trẻ tống tiền… được các chuyên gia tâm thần học nhìn nhận là do sức khỏe tâm thần (SKTT) trẻ em không tốt. Điều này được xem như một hệ quả của việc đô thị hóa quá nhanh, cấu trúc gia đình thay đổi, phân hóa giàu nghèo ngày một lớn, chuẩn mực giá trị đạo đức biến đổi…
Nhầm từ khái niệm
Mặt trái của khoa học công nghệ đã làm nảy sinh một số rối loạn tâm thần ở trẻ em như nghiện game, chat, internet… Những hành vi lệch lạc này không ngừng gia tăng và hệ quả của nó là sự suy đồi đạo đức của một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Tình trạng này trở nên đáng báo động, thực sự là vấn đề nổi cộm của mỗi gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây nhất của Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tại các trường học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tỷ lệ học sinh có vấn đề về SKTT với các rối loạn tăng động, giảm chú ý, cảm xúc, ứng xử… chiếm tới 19,46%. Theo số liệu từ cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên (VTN-TN) cách đây 2 năm thì 31% VTN-TN có những trục trặc về tâm lý và cảm thấy thiếu tự tin.
Theo bác sỹ La Đức Cương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I , không riêng gì ở các nước phát triển, SKTT học đường là vấn đề toàn cầu. Tỷ lệ trẻ em gặp một trục trặc về tâm lý trong một giai đoạn nào đó ở nhiều quốc gia gần tương đương nhau, chiếm khoảng 17%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do nhận thức chưa đúng, khi nói tới SKTT nhiều người cho rằng đó là bệnh tâm thần phân liệt nên nhiều trường hợp rối loạn tâm thần chỉ được phát hiện khi đã gây hậu quả đáng tiếc.
Sức khỏe tâm thần là một trạng thái không chỉ không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, cần phải có chất lượng nuôi sống tốt, có được sự cân bằng và hòa hợp giữa cá nhân, người xung quanh và môi trường xã hội.
BS La Đức Cương cho rằng, nguyên nhân gây rối loạn tâm thần ở trẻ em là do môi trường học tập căng thẳng và quá tải; sự tác động của các xung đột về tình cảm, tâm lý trong gia đình và xã hội. Vì vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất cần thiết nhằm giảm sự gia tăng và mức độ trầm trọng của bệnh. Song hiện nay, chăm sóc SKTT cho trẻ chủ yếu là giải quyết hậu quả chứ chưa đi từ ngăn ngừa.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần: “Chuyện” của dân số
Không thể nói tới chất lượng dân số (CLDS) cao trong khi tỷ lệ trẻ bị rối nhiễu tâm lý, rối loạn hành vi ngày càng tăng. Một trong những vấn đề được xác định có ảnh hưởng tiêu cực tới CLDS Việt Nam hiện nay là tỷ lệ dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% và đang tiếp tục tăng thêm hằng năm. Trong đó “rối nhiễu tâm lý, tự thương, tự tử, vi phạm pháp luật do có vấn đề về sức khỏe tinh thần ở giới trẻ đang nổi lên đầy thách thức” như các chuyên gia nhận định.
Dân số Việt Nam đang ở cơ cấu dân số vàng, một cơ cấu tạo thời cơ cho phát triển nên rất cần nguồn nhân lực thực sự khỏe mạnh về tinh thần. SKTT trẻ em không chỉ là chuyện gia đình mà đã trở thành chuyện của chiến lược dân số quốc gia. Bộ Y tế cùng nhiều ngành liên quan hiện đang nhanh chóng hoàn thành đề án khung, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đề án tổng thể nâng cao CLDS Việt Nam về cả thể lực, trí lực và tinh thần. Trong đó, đề án sẽ quan tâm tới việc đào tạo nguồn chuyên gia tâm lý trẻ em, xây dựng mô hình can thiệp SKTT dựa trên cơ sở khoa học.
Còn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, BS La Đức Cương cho biết, bệnh viện đang xây dựng dự án “Phòng chống rối loạn tâm thần học đường” giai đoạn 2010-2015 nhằm nâng cao công tác chăm sóc SKTT học đường, giảm tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần học đường thông qua hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học, góp phần phát triển toàn diện sức khỏe thể chất, tâm thần cho lứa tuổi học sinh.
Theo Báo Hà Nội Mới