Đa phần các mẹ sợ dao, sợ máu, sợ kim tiêm, thuốc tê và cả vấn đề thẩm mỹ… Vậy rạch tầng sinh môn là gì và chăm sóc như thế nào sau sinh? “Rạch tầng sinh môn” là cụm từ rất quen thuộc với những ai đã từng làm mẹ, tuy nhiên nhiều bà mẹ không biết tầng sinh môn nằm ở đâu và nhầm tưởng là rạch âm hộ.
Hiểu đúng về rạch tầng sinh môn
Tầng sinh môn là phần nông của sàn chậu, chính xác là phần mô giữa âm đạo và hậu môn, chiều dài khoảng 3 -5 cm, việc sử dụng thủ thuật cắt tầng sinh môn là để hỗ trợ và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ khi xuất hiện các dấu hiệu sinh khó vì hẹp xương chậu, thai quá lớn, lưỡng đỉnh rộng, nó cũng giúp việc sử dụng các thủ thuật hỗ trợ sinh như kẹp forcep hay giác hút được dễ dàng hơn là bởi lúc này đầu em bé chỉ còn ở khoảng cách 2 – 4cm là sẽ chui hẳn ra ngoài.
Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp sản phụ có nguy cơ bị rách cơ vòng hậu môn; có dấu hiệu suy thai hoặc bé sinh ngôi mông, sinh non hoặc có đầu quá lớn.
Những lo lắng của mẹ
Sợ đau và khó hình dung là ý nghĩ đầu tiên của những bà mẹ đang mang thai sắp đến kỳ sinh nở. Liệu có đau nhiều không? Liệu có làm âm hộ giãn ra nhiều không?… Có hàng tá câu hỏi xoay quanh việc ấy và các mẹ cần lưu ý rằng: Thời điểm cắt tầng sinh môn chính là lúc sản phụ đang vật lộn với những cơn gò tử cung, cơn đau ấy còn nặng nề hơn cả vết cắt nhỏ kia.
Hơn thế nữa, bạn sẽ được gây tê tại chỗ ở vùng sàn khung chậu. Khi cơn co thắt lên tới đỉnh cao, một đường cắt nhỏ sẽ được rạch từ đáy âm đạo và thường hơi chếch sang một bên. Có những trường hợp không đủ thời gian để chích thuốc tê, nhưng bạn cũng không cảm thấy đau do các mô căng đã bị tê tự nhiên. Thực chất của việc cắt tầng sinh môn là để bảo vệ cho sản phụ.
Vết rách có thể ảnh hưởng đến nút thớ trung tâm đáy chậu khiến tầng sinh môn bị nhão về sau, khi đó tầng sinh môn mất khả năng đàn hồi và khó co lại như bình thường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ sa tử cung, âm đạo, trực tràng và bàng quang. Sau đó, sẽ mất một ít thời gian để bác sĩ khâu lại tầng sinh môn. Thông thường, lớp niêm mạc và cơ được khâu bằng chỉ tự tiêu sau 3 tuần, còn lớp da được khâu bằng chỉ nilon (cắt chỉ sau 5 -7 ngày). Việc tháo chỉ sẽ không gây đau đớn như các thai phụ vẫn lầm tưởng.
Cách chăm sóc vết mổ
Sau khi hết thuốc tê, sản phụ mới bắt đầu mới có cảm giác đau, đặc biệt là lúc ngồi do mũi khâu kéo khít tầng sinh môn lại. Hãy sử dụng gối gòn, nệm mềm và một ít thuốc giảm đau để cảm thấy dễ chịu hơn. Thông thường sau cắt chỉ, sản phụ sẽ hết đau nhưng cũng có thể kéo dài cảm giác đau này trong khoảng 3 – 4 tuần.
Một lưu ý nữa là nếu đau dai dẳng và nhiều thì cần đề nghị khám lại để kiểm tra xem có tổn thương nào ở vùng xương cụt không?
Trong khoảng thời gian đó, bạn có thể vừa tiểu tiện vừa xối nước bằng vòi hoa sen để tránh nước tiểu làm bẩn vết khâu. Riêng việc đại tiện có thể trì hoãn được vài ngày sau sinh nên không đáng ngại lắm.
Nếu bạn còn ở bệnh viện, y tá sẽ rửa cho bạn bằng nước đun sôi pha cồn diệt khuẩn và bôi thêm dung dịch sát khuẩn vào vết khâu để chóng liền sẹo.
Khi về nhà, bạn có thể tự rửa bằng nước đun sôi với xà phòng thơm hoặc xà phòng trung tính, dung dịch vệ sinh phụ nữ… rồi lau khô hằng ngày. Bạn cũng có thể dùng máy sấy tóc để làm khô nhanh vết khâu. Một lưu ý là bạn nên mặc đồ lót thoáng và sạch.
Ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và đời sống vợ chồng?
Rạch tầng sinh môn có thể khiến bạn mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng cao, rò âm đạo – hậu môn, dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ, sự toàn vẹn của cơ đáy chậu bị ảnh hưởng do các cơ không được xếp lại đúng chỗ…
Kiêng quan hệ là điều cần làm, tuy thế bạn cần hiểu rằng khâu tầng sinh môn không phải là yếu tố duy nhất, việc chăm sóc bé, cho bé bú đêm liên tục khiến hoocmon tiết sữa làm ức chế ham muốn tình dục. Vì vậy vợ chồng nên thiết lập lại chuyện tình dục một cách dần dần, đôi khi đây là một việc khó khăn nhưng cần kiên trì và hỗ trợ lẫn nhau. Người chồng tuyệt đối phải nhẹ nhàng và động viên vợ bởi vì ngoài việc chăm sóc thể chất thì liệu pháp tinh thần cũng rất quan trọng.
Thống kê cho thấy, 50% phụ nữ khi đẻ cắt tầng sinh môn thì lần sau cũng phải cắt nhưng ít có nguy cơ rách rộng, vì thế bạn đừng quá lo lắng cho quan hệ vợ chồng sau sinh.
Làm sao để tránh thủ thuật rạch tầng sinh môn?
Sinh con ở tư thế thẳng đứng, tránh nằm ngửa. Các tư thế như ngồi xổm, quỳ, hay nửa nằm nửa ngồi (có người đỡ) sẽ giúp cho bé xổ ra dễ dàng hơn.
Học cách thư giãn các cơ sản khung chậu: thả lỏng cơ đáy chậu, cách phình lớp mô âm đạo và đáy chậu, cách hít thở khi có các cơn gò tử cung. Những bài tập này rất đơn giản và bạn có thể tự tập tại nhà nhưng tốt nhất bạn nên đăng ký theo học một lớp tiền sản một vài tháng trước khi sinh.
Trao đổi với bác sĩ về cảm giác của bản thân để được tư vấn cặn kẽ. Có thể tập luyện để tăng cường sự co giãn của các cơ đáy chậu bằng cách mát xa cơ đáy chậu hằng ngày khi bước vào tuần mang thai thứ 34 bằng cách nhỏ vài giọt dầu vitamin E vào ngón tay và ngón cái rồi xoa xung quanh đáy xương chậu. Đặt ngón trỏ cách âm hộ 3cm và ấn nhẹ xung quanh đó cho tới khi cảm thấy kim châm. Thực hiện cả quá trình này trong khoảng 2 phút rồi massage nhẹ nhàng phần tầng sinh môn trong 3 phút.
Tất nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là duy trì chế độ ăn hợp lý và lối sống lành mạnh, tin tưởng và lạc quan vào quá trình sinh nở tự nhiên. Đặc biệt, nên trao đổi với bác sĩ để được trấn an và biết cách kiểm soát quá trình chuyển dạ.