Việc nhà là những công việc đơn giản, gần gũi nhưng lại có vai trò lớn giúp hình thành tình yêu lao động, tính tự giác, sự sẵn sàng tương trợ nhau ở trẻ. Làm sao để các bé không cảm thấy đó là một “nghĩa vụ” buồn tẻ, phải tị nạnh nhau mà thật sự thích thú, cùng giúp đỡ nhau và giúp đỡ cha mẹ?
Vợ chồng chị Hà Anh ở Đồng Nai có hai cô con gái cách nhau hai tuổi xinh xắn như thiên thần và học rất giỏi các môn, nhưng vẫn băn khoăn khi phân công việc nhà cho hai con. Chị gái Trâm Anh (11 tuổi) thường phụ mẹ nấu ăn và dọn cơm, còn em gái Hoài Anh (9 tuổi) rửa chén bát. Khi nhìn thấy vẻ mặt phụng phịu của Hoài Anh, chị đã trao đổi với cô con gái út và nghe con “phàn nàn” rằng cha mẹ thiên vị, phân việc cho em bé nhất nhà mà có lúc còn nặng hơn cả chị gái. Ngoài ra, bé út còn hay tị nạnh với chị gái những công việc khác như lau dọn nhà cửa, tưới cây…
Theo các chuyên gia tâm lý, đây không phải là tình huống hiếm gặp trong cuộc sống. Có nhiều cách để hóa giải vấn đề này.
Phân công cụ thể, rõ ràng và công bằng
Nếu hai đứa trẻ ở cùng phòng thì khi giao nhiệm vụ dọn dẹp phòng sạch sẽ, trẻ khó biết được phải bắt đầu từ đâu. Để các con tự phân chia công việc, sẽ có đứa ấm ức cho rằng việc phân chia đó thiếu công bằng. Tâm trạng đó thường xảy ra với trẻ nhỏ hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ nhỏ hơn sẽ cảm thấy căm ghét anh, chị mình, tạo nên hiềm khích giữa các con. Các bậc cha mẹ cần bắt đầu từ việc phân công cụ thể, rõ ràng và công bằng theo nguyên tắc “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
Cùng làm việc với các con
Hành động này vừa động viên, khuyến khích con trẻ thích thú với công việc nhà, vừa giúp trẻ không cảm thấy đơn độc, bực bội khi phải làm việc nhà một mình. Trẻ nhỏ rất thích được tham gia công việc nhà cùng với cả gia đình. Nhưng sự thích thú đó chỉ được phát huy khi có sự giúp đỡ của cha mẹ. Để giúp trẻ làm tốt việc nhà, bạn có thể cùng các con tham gia làm việc như lau chùi bàn ghế, nhà cửa, sắp xếp áo quần, tưới cây… Trẻ sẽ thấy được ý nghĩa của công việc mình đang làm nên sau này sẽ tự giác cùng anh (chị, em) mình thực hiện, không cần sự nhắc nhở của cha mẹ.
Đặt mục tiêu và phần thưởng cho từng công việc
Ra mục tiêu cụ thể và phần thưởng cho một công việc nào đó sẽ là cách thử thách và mang lại sự linh hoạt, năng động cho các con. Tất nhiên, tùy theo độ tuổi của mỗi trẻ để đặt mục tiêu cho phù hợp. Khi các con cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt công việc, giúp đỡ nhau để làm hài lòng cha mẹ, phụ huynh nên có những phần thưởng nhỏ đáng yêu dành cho trẻ. Trẻ sẽ thấy thích thú với việc nhà hơn mà không tị nạnh nhau.
Khơi dậy tinh thần thi đua
Một trong những cách giúp trẻ không tị nạnh nhau mà còn ham thích làm việc nhà là cha mẹ kích thích sự thi đua, chẳng hạn như giao việc thích hợp cho từng bé, có phần quà kịp thời như được mẹ ôm hôn, khen ngợi, cho kẹo bánh… Phụ huynh sẽ ngạc nhiên khi thấy con mình hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng.
Động viên, khuyến khích kịp thời
Khi thấy trẻ san sẻ, giúp đỡ nhau làm tốt việc nhà, các bậc cha mẹ đừng tiếc lời khen. Phải kịp thời động viên, khuyến khích tất cả các con để chúng cảm nhận được hạnh phúc khi cùng làm việc với anh (chị, em) của mình. Với trường hợp con trẻ đố kỵ, tị nạnh nhau, cha mẹ phải kịp thời nhắc nhở để các em khắc phục ngay, yêu cầu trẻ xin lỗi cha mẹ và anh (chị, em) của mình, không được lặp lại.