Cứ bắt đầu ngồi vào bàn học là Hải kêu chóng mặt, đau đầu, vì nghĩ cậu lười học nên giả vờ kêu đau, chị Bình đã la mắng con. Cho đến giữa tuần qua, khi cậu ấm 10 tuổi bị bất tỉnh, sau khi đưa con đến bệnh viện chị mới hay em bị bệnh cao huyết áp.
Cùng căn bệnh này, trong giờ học, bé An học sinh lớp 5 trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8, TP HCM thường xuyên bị đỏ bừng mặt, chóng mặt. Nghĩ học trò bị sốt, cô giáo đưa bé đến phòng y tế học đường để cho uống thuốc nhưng không khỏi.
Tình trạng kéo dài gần một tuần, bé được đưa đến Bệnh viện quận 5 khám, tại đây khi đo huyết áp, các bác sĩ chẩn đoán bé An bị huyết áp cao.
Một trường hợp khác, bé gái 8 tuổi, nhà ở quận 1, TP HCM nhập viện đầu tháng 12 với bệnh cảnh thường xuyên vã mồi hôi, hồi hộp, đánh trống ngực cũng được các bác sĩ xác định huyết áp cao. Cháu cho biết tình trạng trên kéo dài hơn một tháng nhưng không dám báo với bố mẹ. Đặc điểm chung của ba bệnh nhi trên là đều có thể trạng thừa cân béo phì.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, cho biết cơ sở này thi thoảng vẫn tiếp nhận bệnh nhi cao huyết áp, nhất là ở những bé có thể trạng béo phì, thừa cân, chứ không chỉ là bệnh của người lớn.
Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, trong số các bệnh nhi đến khám, các bác vẫn thường xuyên phát hiện tình trạng huyết áp cao hơn bình thường. Hầu hết các bé này đều có thể trạng thừa cân.
“Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm do trẻ nhập viện muộn vì hầu hết phụ huynh thường không nghĩ đến. Một số người cho rằng con lười học nên giả vờ, số khác lại nghĩ bé học nhiều quá nên mệt. Đến khi bé hoa mắt, giảm thị lực, co giật, mê man, vào bệnh viện mới biết cao huyết áp”, một bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, nói.
Bệnh cao huyết áp nếu không được điều trị, theo các bác sĩ còn gây suy tim, tai biến mạch máu não có thể gây tử vong.
Để tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ, các bác sĩ khuyên phụ huynh cần chú ý các biểu hiện của chứng cao huyết áp như đau đầu, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, mờ mắt, mệt mỏi.
Khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu cao huyết áp nói trên, phụ huynh cần đưa bé đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán.
Để phòng ngừa chứng cao huyết áp ở trẻ, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên duy trì trọng lượng cơ thể trẻ hợp lý, tránh thừa cân béo phì. Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, mỡ, mặn, thức ăn nhanh. Tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây…
Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ như tập thể dục, vui chơi hoạt động, tránh thụ động như ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, chơi game, xem ti vi và kể cả đọc sách.