Hơn một tuần qua, thời tiết trở lạnh sâu, đột ngột khiến số lượng trẻ nhập viện có xu hướng tăng lên. Đáng lo ngại, nhiều trường hợp nhập viện muộn, đặc biệt là trẻ sơ sinh đã dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản, sốt cao, co giật…
Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến khám và 100 lượt điều trị nội trú, gấp 1,5 lần so với những ngày trước đó. Trong khi, khoa chỉ có 60 giường nên nhiều trẻ phải nằm ghép giường.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết kiểu thời tiết lạnh giá vào đêm và sáng sớm, oi bức vào ban ngày là nguyên nhân chính khiến số trẻ nhập viện tăng mạnh. Trẻ đến khám chủ yếu do mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy do rotavirus, sốt virus… Trong đó, mỗi ngày có đến 15 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú do sốt cao, co giật, biến chứng viêm màng não, biến chứng viêm phổi.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cho biết, đây là thời điểm thuận lợi cho virus đường hô hấp phát triển, trong đó có virus hợp bào hô hấp (RSV), cả người lớn và trẻ em đều có thể nhiễm virus này. Với người lớn, trẻ lớn thường chỉ có biểu hiện cảm, ho nhẹ, tuy nhiên ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ nhỏ 1,5 -2 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng và nhanh.
“Trẻ nhỏ không có phản xạ ho, khạc như người lớn, nên dễ bị viêm tắc đờm, dẫn đến xẹp phổi. Trong khi đó, kháng sinh lại ít có tác dụng, bệnh lâu khỏi”, bác sĩ Lan nói.
Trời rét cũng khiến nhiều người già đổ bệnh. Tại Viện Lão khoa Trung ương, hầu hết người bệnh đến khám đau xương khớp và đau đầu. Vì thế, theo các bác sĩ, người già cần tăng cường ăn nhiều hoa quả, rau xanh giàu vitamin C, B1 như cam, quýt, dâu, các loại đỗ, cải cúc, rau cần… Đồng thời, luôn giữ ấm bàn chân bằng cách đi tất thường xuyên và ngâm nước ấm trước khi đi ngủ. Các cụ cũng không nên bỏ tập thể dục mà có thể chuyển sang các động tác xoa bóp thái dương, cổ chân cổ tay, gáy nhẹ nhàng trước và sau khi ngủ hoặc các bài tập dưỡng sinh học thở sâu…
Khi con bị sốt virus cha mẹ cần tránh dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng mà lại hại người. Trẻ có thể bị sốt đến 5 ngày liền nên nếu uống thuốc kháng sinh liên tục càng khiến trẻ mệt hơn, bệnh lâu khỏi. Điều quan trọng là dùng thuốc hạ sốt để tránh trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật và bổ sung thêm nước.
Ngoài ra, số trẻ bị hen đến khám và nhập viện cũng tăng mạnh do trời lạnh khiến các bé bị khởi phát cơn hen nặng, đột ngột. Có trẻ 1-2 năm khỏi, tự dưng đợt này lại lên cơn hen.
Tại miền Trung, trời rét buốt cũng làm nhiều trẻ em bị nhiễm lạnh và phát sinh nhiều bệnh như viêm phổi, ho sốt, viêm phế quản…
Khoa Nhi (Trung tâm phụ sản – nhi Đà Nẵng) gần một tuần nay có rất đông phụ huynh chở con tới khám bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, trong một tuần có tới hơn 880 lượt bệnh nhi tới khám. Ngoài các cháu mắc tay chân miệng thì còn lại chủ yếu là liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp.
Theo các bác sĩ, biện pháp dự phòng tốt nhất chính là giữ sạch đường mũi, họng cho trẻ. Cha mẹ cần lưu ý, trong những ngày này, trời trở lạnh nhưng nhiệt độ trong ngày lại chênh lệch nhau khá nhiều nên cần đặc biệt chú ý đến cách ăn mặc cho trẻ. Mặc ấm vào buổi sáng và buổi tối, buổi trưa nhiệt độ tăng cần cởi bớt quần áo cho con.
Ngoài ra, lúc bắt đầu ngủ, trẻ thường nóng hơn người lớn nên chỉ cần mặc quần áo vừa đủ ấm, thoáng. Tuy nhiên, đến nửa đêm, cha mẹ cần đắp thêm chăn cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm đường hô hấp.
Tăng cường cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, không nên để đường hô hấp khô quá. Cha mẹ nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Thời gian tắm cũng nên nhanh hơn, không được quá 15 phút.
Nhiều cha mẹ thường đóng hết cửa, cho bé chơi trong phòng kín. Điều này hoàn toàn sai lầm, cha mẹ cần mở cửa khi trời ấm nhằm thay đổi không khí trong nhà. Đặc biệt, nhà có trẻ bị hen thì càng cần phải tuân thủ nguyên tắc này. Đồng thời thường xuyên lau dọn nhà cửa, gầm tủ, gầm giường… tránh để nhà có không khí ẩm mốc làm trẻ tái phát cơn hen nặng.
Bên cạnh đó, sắp đến mùa cúm, các bà mẹ có con nhỏ nên đi tiêm phòng để tránh lây cho con. Trẻ sơ sinh vài tháng tuổi thường không đi đâu để mà nhiễm bệnh, thường do người lớn lây. Cảm cúm thường làm giảm sức đề kháng của trẻ nên khiến các cháu dễ mắc thêm các bệnh khác, nhất là viêm phổi, hen… Với những bé dưới hai tháng tuổi, khi bị viêm nhiễm đường hô hấp sẽ rất dễ bị biến chứng, nên cần được khám bệnh kịp thời.