Thói quen sai khiến của trẻ không phải từ trên trời rơi xuống, nó do chính chúng ta tập tành, dung dưỡng mà ra! Bà Tư, nội của bé Lan ngậm ngùi: “Giá mà tụi nó bớt cưng chiều con bé. Biết ý tứ ngay từ khi con còn nhỏ, đừng sai biểu người giúp việc trước mặt con. Phải chi chúng biết dạy con nhỏ tự chăm sóc bản thân thì đâu đến nỗi”.
1. Được mẹ đút cơm chiều xong, bé Jerry, chưa đầy hai tuổi đã nhảy xuống salon và hét: “Dung, dẹp!”. Cả nhà chị My cười rần. Chị My nói với tôi: “Coi nó khôn chưa? Mới từng ấy tuổi đã biết ai phải làm gì trong nhà. Bây giờ nói chưa rành chứ chiều nào muốn ba tắm hay mẹ tắm nó đều biết ra lệnh hết!”.
Anh Dũng, chồng chị My tiếp lời: “Cô nàng này ghê gớm lắm, ra lệnh: “Mẹ, tắm”, được mẹ tắm xong là cầm cây lược chạy đến ba gọi: “Ba, chải…” liền! Chắc lớn lên luôn phải có người hầu nó quá!”. Như hiểu chuyện của ba mẹ, bé Jerry quay sang tôi, chỉ vào những cái bánh trong dĩa, bảo: “Cô, ăn!”. Cả nhà cô bé lại cười lên vui vẻ! Bà nội của bé cuống quýt: “Nãy giờ ở nhà vui quá, quên mời cô dùng bánh…”.
2. Chiều nào rước con ở cổng Trường tiểu học Nguyễn Khuyến, Q.12, tôi cũng thấy những ông bố, bà mẹ tranh thủ khóa vội cổ xe, chạy ù vô lớp học để xách cặp cho con. Được biết ngay từ đầu năm học, ngày nào trường cũng phát loa dặn dò: “Đề nghị phụ huynh (PH) cho trẻ tự mang cặp vào lớp”. Thậm chí, trong buổi sinh hoạt với phụ huynh, ban giám hiệu đã đề nghị phụ huynh tạo điều kiện cho trẻ được… gấp chăn, xếp gối trong giờ nghỉ trưa. Lý do của lời đề nghị này nghe muốn cười ra nước mắt, bởi trường từng bị một phụ huynh “kiện” về việc đã bắt buộc con em họ gấp chăn, xếp bàn ghế trong khi phụ huynh đã đóng tiền “nuôi” các cô bảo mẫu (?).
Dù vậy, hình ảnh phụ huynh chạy vào tận lớp mang tập, sách cho con ra tận xe, rồi lật đật khui hộp sữa, mở hộp bánh, đút tận miệng cho con vẫn là chuyện thường ngày ở trường tiểu học này! Nó bình thường tới nỗi một buổi chiều nọ, một cô bé học lớp 4, đeo khăn quàng đỏ, đủng đỉnh ra sân trường, trèo lên xe gắn máy, người mẹ ngạc nhiên hỏi: “cặp con đâu?“, cô bé hất hàm: “Ở trỏng, má vô xách nó đi, bữa nay nhiều tập, nặng lắm!”.
3. “Trời ơi là trời! Vừa phải thôi, con gái con đứa gì ăn xong cái chén không biết dẹp, mẹ nhắc còn hỗn hào biểu mẹ dẹp đi!”. Vừa la con, chị Hào vừa lủi thủi đi dẹp mâm chén bát của bé Lan vào bếp rửa. Vợ chồng chị Hào chỉ có mỗi mình bé Lan. Từ nhỏ, bé đã được cưng chiều hết mực. Cô bé hầu như không biết làm việc gì ngoài chuyện học và chơi cùng chúng bạn. 13 tuổi, Lan càng xinh đẹp, phổng phao nhưng nết ăn, nết ở của cô bé thì ngày một tệ.
Trước đây, ngày nào Lan cũng phải chờ cô vú nuôi lay dậy, chuẩn bị sẵn sàng áo quần, nặn luôn kem đánh răng, đưa cho khăn mặt… Khi Lan ăn, cô vú ngồi kế bên thắt khăn quàng, mang giúp vớ… Ăn xong, Lan đủng đỉnh ra xe để ba chở đến trường. Suốt 5 năm tiểu học, chưa bao giờ cô bé phải xách cặp ra vào lớp. Lên lớp 6, mẹ Lan còn vào lớp để xin cho con… khỏi trực nhật, sợ bụi, dơ! Cuộc sống bỗng thay đổi 180o khi công ty của ba bé Lan phá sản. Cả nhà dồn về ở bên nội. Nhà chật chội, sinh hoạt eo hẹp dần. Nhưng tính khí “tiểu thư” trong cô bé không thay đổi. Lan sai khiến tất cả mọi người trong nhà nhằm phục vụ cho cô. Ba mẹ, ông bà nội đều phải luân phiên đóng vai vú nuôi. Hôm nay là hai năm từ ngày lâm vào túng thiếu, chị Hào cho biết, chị đã đầu hàng, không trị nổi đòi hỏi của con gái.
Bà Tư, nội của bé Lan ngậm ngùi: “Giá mà tụi nó bớt cưng chiều con bé. Biết ý tứ ngay từ khi con còn nhỏ, đừng sai biểu người giúp việc trước mặt con. Phải chi chúng biết dạy con nhỏ tự chăm sóc bản thân thì đâu đến nỗi”.
Thói quen sai khiến của trẻ không phải từ trên trời rơi xuống, nó do chính chúng ta tập tành, dung dưỡng mà ra!