“Con ghét cô giáo!”. Đã bao giờ bạn nghe thiên thần nhỏ của mình nói như vậy? Chắc hẳn, ngay lập tức bạn muốn biết lý do. Có muôn ngàn lý do để bé không ưa cô giáo và đó là điều bạn cần quan tâm đặc biệt.
Thông thường, các bé ở tuổi tiểu học và mẫu giáo rất yêu quý và thần tượng cô giáo. Các con luôn coi những lời cô nói là tiên chỉ. Vì thế, khi nghe con nói ghét cô, bạn sẽ cảm thấy giật mình.
Nếu là ông bố bà mẹ nóng tính, bé rất dễ bị quy kết “chắc con vừa phạm lỗi” hay “con lại gây chuyện rồi”… Nhưng chúng tôi khuyên bạn rằng, trước tiên, hãy thật bình tĩnh. Bạn hãy nhẹ nhàng hỏi chuyện con xem tại sao bé ghét cô giáo.
Có thể vì con phạm lỗi bị cô giáo trách phạt, có thể một điều gì đó ở cô khiến bé sợ, có thể cô phạt bạn thân của bé, cô đối xử không công bằng hoặc cũng có thể cô dạy không tốt…
Bạn cần có cách ứng xử thật linh hoạt với mỗi tình huống:
Trước hết, hãy bình tĩnh hỏi xem tại sao bé ghét cô và để cho bé kể hết câu chuyện.
Nếu cô giáo vừa phạt lỗi mà bé cảm thấy không thỏa đáng: Bạn hãy xem xét lý do tại sao cô giáo lại phạt con, phân tích cho con hiểu cô giáo phạt như vậy là đúng. Nếu cô giáo có phạt “oan” theo lời bé, bạn cũng nên nói với bé rằng, cô giáo cũng có lúc nhầm lẫn, con hãy thông cảm cho cô. Sau đó, hãy gọi điện hỏi chuyện cô giáo để tìm ra lời giải đáp.
Tương tự như trên nếu bé kể chuyện cô phạt oan bạn thân của bé. Hãy động viên bé rằng cô giáo làm như thế là mong con và các bạn tiến bộ hơn.
Nếu trước đó, bé rất thần tượng và yêu quý cô giáo, bỗng một hôm con về và nói ghét cô, có thể bé đã thấy một tật xấu nào đó của cô giáo (như cô ngoáy mũi hay dính gì đó lên mặt…): Bạn hãy cho con biết rằng cô giáo cũng như mẹ, đều là con người và không thể tránh được một vài tật nhỏ hay có lúc trông không được đẹp lắm.
Trừ những khoảnh khắc đó, cô giáo của con rất tuyệt vời. Hãy gợi cho bé nhớ những hình ảnh, hành động đẹp của cô để bé cảm thấy thoải mái và dần quên đi những gì vừa thấy.
Nếu bé “kể tội” cô thiếu công bằng: Hãy thử lắng nghe câu chuyện và phân tích cho bé câu chuyện đó, lý do cô đối xử như vậy với các bạn. Nếu cảm thấy cô giáo giải quyết chưa thỏa đáng, hãy bảo bé, chắc cố giáo cho lý do để làm như vậy, cô yêu quý các con như nhau. Sau đó, tránh mặt bé để gọi điện hỏi chuyện cô thật khéo léo. Nếu bạn không khéo, cô có thể rất tự ái hoặc sẽ trở nên ác cảm với tội mách lẻo của bé…
Nếu cô giáo dạy không hay, bạn sẽ khá khó xử: Lúc này, bạn chỉ có thể nói với bé: “Mẹ sẽ nhờ cô giảng cụ thể hơn để cho các con dễ hiểu nhé”. Sau đó, bạn có thể trao đổi với cô giáo rằng: Bé nhà bạn chưa hiểu nhiều về bài học hôm nay, bố mẹ cũng chưa biết nên giảng thế nào cho con hiểu.
Nhờ cô giáo hôm sau giảng chậm hơn và rõ ràng hơn để bé có thể lĩnh hội. Nếu cô giáo là người thông minh, cô sẽ hiểu và tìm cách khắc phục. Nếu tình trạng không được cải thiện trong một thời gian dài, bạn có thể trao đổi với nhà trường.
Với một cô giáo không yêu thương học trò khiến các bé kinh sợ và căm ghét: Hãy hỏi ý kiến của các phụ huynh khác có bé học cùng lớp để xem xét tình hình. Các phụ huynh có thể yêu cầu nhà trường đổi giáo viên.
Nếu bé bị cô “trù”, rơi vào tình trạng trầm cảm hay hoảng loạn: Bạn cũng nên xem xét đưa con gặp các chuyên gia tâm lý cũng như đổi trường học, lớp học cho con.