Có nhiều yếu tố có thể gây hại cho mẹ bầu và thai nhi trong thời gian mang thai. Có nhiều trường hợp thai dị tật, sảy thai do người mẹ chịu tác động của những yếu tố gây hại cho bào thai. Các yếu tố độc hại này được xếp vào ba nhóm chính: nhóm gồm thuốc hay hoá chất, nhóm tác nhân gây nhiễm trùng và nhóm tác nhân vật lý và chúng sẽ được đề cập ở dưới đây.
Nhóm thuốc và hóa chất
Rượu
là một trong những chất nhiều độc tính nhưng lại thường được sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng trên thai nhi: nhẹ cân, vòng đầu nhỏ, chậm phát triển, tâm thần, yếu cơ. Lượng rượu mẹ uống càng nhiều, tỷ lệ độc hại trên thai nhi càng tăng.
Thuốc lá:
Người mẹ hút thuốc có thể sinh trẻ nhẹ cân, giảm kích thước vòng đầu, tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non… vì chất nicotin ngăn cản việc cung cấp ôxy cho bào thai, mà nicotin lại đi qua nhau dễ dàng. Nồng độ nicotin tập trung trong bào thai có thể cao hơn 15% so với lượng nicotin có trong cơ thể mẹ. Ngoài ra nicotin còn có thể tập trung trong nước ối và sữa mẹ. Nếu người khác hút thuốc mà thai phụ hít phải khói thuốc thì hậu quả cũng tương tự như trực tiếp hút thuốc.
Kháng sinh:
Phần lớn kháng sinh không gây dị dạng thai nhi. Tuy nhiên, có một số kháng sinh có tác động xấu cho thai nhi, như tetracycline sử dụng từ tháng thứ tư của thai kỳ làm vàng răng, thiểu sản men răng. Streptomycin và những loại cùng họ có thể làm tổn thương dây thần kinh tai dẫn đến điếc (xảy ra cho 10 – 15% bào thai có mẹ sử dụng các loại thuốc này).
Ngoài ra, các loại thuốc hạ huyết áp, thuốc chống ung thư, chống đông máu, chống động kinh… đều có chống chỉ định khi có thai.
Tác nhân nhiễm trùng
Nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng và virut có thể gây ra dị tật bẩm sinh, bất thường về phát triển hệ thần kinh. Bệnh nhiễm trùng thường gặp đối với thai phụ là nhiễm trùng Torch (Toxoplasmose, rubella, cytomegalo virut, herpes) gây độc hại cho thai nhi với những dị tật bẩm sinh ở đầu, chậm phát triển thần kinh, viêm võng mạc. Bệnh ban đỏ do rubella thường gây mù, điếc, còn tồn tại ống động mạch. Ngoài ra, nếu người mẹ nhiễm giang mai có thể dẫn đến giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh vì từ tháng thứ năm của thai kỳ, vi trùng có thể lây lan qua nhau. Thai nhi có thể bị gan lách to, bệnh ngoài da, viêm xương, viêm thận, viêm màng não.
Tác nhân vật lý
Tia quang tuyến gây dị tật hệ thần kinh, gây ung thư, đột biến gen. Ngoài ra, môi trường nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến thai phụ gây dị tật ở hệ thần kinh thai nhi.
Vì vậy, khi đã biết có thai, nếu bị mắc bệnh, người mẹ nên đi khám thai để được hướng dẫn bởi thầy thuốc chuyên khoa và chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định. Ngoài ra, cần chú ý đến môi trường sống của thai phụ, tránh những tác nhân có thể gây hại cho thai nhi.