Mơ ước của mọi người, nhất là phái đẹp là muốn có một làn da mịn màng, không tỳ vết. Song trên thực tế, làn da của hầu hết mọi người lại thường có tàn nhang, bớt, nốt ruồi và các mảng sắc tố như một sơ suất của tạo hoá. Nhưng như thế vẫn còn là may mắn nếu các tổ chức sắc tố đó tiến triển bình thường. Ngược lại, thật bất hạnh nếu các sắc tố bị tổn thương, ung thư hoá và dẫn đến tử vong.
Phân biệt bớt lành tính, bớt nghi ngờ như thế nào?
Nhìn chung các bớt lành tính thường nhỏ dưới 5mm, có ranh giới rõ với bờ sắc nét và màu sắc đồng đều từ màu nâu sáng đến màu nâu sẫm.
Những bớt nghi ngờ là những bớt có bờ không đều, không đối xứng hoặc bờ có tua là nơi mà sắc tố thường lan ra cả phần da bình thường xung quanh. Bề mặt bớt cũng không đều như có phần thì nổi cao, có phần thì bằng phẳng. Màu sắc trên bớt có nhiều màu như : hồng, xanh, xám, trắng, đen.
Nếu bớt chảy máu và loét là dấu hiệu đáng lo ngại. Một bớt mà nổi bật lên so với các bớt khác cũng là dấu hiệu buồn. Bệnh nhân càng có nhiều bớt thì nguy cơ bị ung thư sắc tố càng cao. Trong 10 năm đầu của cuộc đời, bớt thường xuất hiện như một thương tổn màu nâu, nhỏ và phẳng. 20 tuổi tiếp theo các bớt này phát triển to lên và thường nổi cao lên, do sự xuất hiện của các tế bào bớt ở trung bì, tạo ra bớt phức hợp. Nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào, một bớt bình thường phải là một bớt có ranh giới rõ, đối xứng, bờ và màu sắc đồng đều.
Bớt bẩm sinh
Hầu hết bớt bẩm sinh, có thể trên 97% là lành tính. Tuy nhiên đối với những bớt bẩm sinh có bờ, bề mặt mấp mô, u, hoặc có nhiều màu sắc, ở các vị trí khó để ý, thấy các dấu hiệu thay đổi sớm của ung thư nên được xem xét để phẫu thuật loại bỏ. Các bớt tế bào sắc tố bẩm sinh khổng lồ có nguy cơ phát triển thành ung thư sắc tố lớn cũng nên phẫu thuật cắt bỏ sớm.
Bớt loạn sản
Các bớt loạn sản có kích thước lớn hơn 5mm và nhiễm sắc tố mạnh, có bờ không đều, có màu đỏ lẫn với màu nâu. Trên một bệnh nhân có thể chỉ có một hoặc nhiều loại thương tổn như vậy. Nếu có tính chất gia đình và có nhiều u sắc tố thì những bớt đó nên nghĩ trước tới u sắc tố. Phương pháp giải quyết thận trọng nhất đối với những bệnh nhân có bớt như vậy là khám toàn bộ cơ thể, phẫu thuật cắt bỏ những thương tổn nghi ngờ là u ác tính và nên khám tất cả các thành viên trong gia đình bệnh nhân. Những người có bớt không bình thường cần phải theo dõi sát để phát hiện sớm các dấu hiệu ác tính. Tất cả các bệnh nhân có bớt loạn sản phải được khám định kỳ (6 tháng một lần) suốt cuộc đời.
Bớt xanh
Bớt xanh thường là những bớt nhỏ, hơi nổi cao hơn mặt da, có màu xanh đen. Bớt xanh rất phổ biến ở người châu Á trong đó có người Việt Nam và một người có thể có nhiều bớt xanh. Nếu bạn có bớt xanh tồn tại mà không có sự thay đổi qua nhiều năm, thì có thể cho là lành tính, vì tỉ lệ bớt xanh bị ung thư hoá rất ít. Nhưng phải cảnh giác với những sẩn và u màu xanh đen mới xuất hiện và to lên để khám sớm loại trừ ung thư sắc tố dạng u.
Tàn nhang và nốt ruồi
Phần lớn người Việt Nam ở trên da đều có nốt ruồi và tàn nhang. Chúng là những nốt màu nâu và phẳng. Các vết tàn nhang thường xuất hiện đầu tiên khi còn nhỏ, màu đậm hơn khi tiếp xúc với ánh nắng và màu nhạt đi vào mùa không có nắng như mùa đông xuân. Trước đây người ta cho rằng các vết tàn nhang có số lượng tế bào sắc tố bình thường nhưng sản xuất ra quá nhiều sắc tố. Theo hiểu biết hiện nay thì thấy một số vết tàn nhang lại tăng số lượng tế bào sắc tố. Ở người trưởng thành và người cao tuổi, tùy thuộc vào màu da mà các nốt ruồi thường có bờ mịn, dần dần xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là ở mu bàn tay. Những nốt ruồi này thường tăng số lượng tế bào sắc tố và chúng không bị nhạt màu đi khi không còn tiếp xúc với ánh nắng. Cũng như tất cả các thương tổn sắc tố khác, nếu như màu sắc trên nốt ruồi đồng đều, đối xứng và phẳng thì được coi là lành tính. Nốt ruồi xuất hiện do ánh nắng, thì trên 80% nhạt màu đi hoặc mất hẳn khi điều trị bằng thuốc bôi tretinoin 0,1%, mỗi tối 1 lần trong vòng 6 -10 tháng.
Dày sừng da mỡ
Dày sừng da mỡ là sự quá sản của lớp thượng bì da một cách lành tính. Vùng dày sừng da mỡ thường có màu be đến màu nâu thẫm, bề mặt sùi giống như hạt cơm. Chúng có cả ở vùng tiếp xúc và không tiếp xúc với ánh nắng.