Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập đến khái niệm của CHRHM, một số vấn đề có liên quan và thời điểm cần tiến hành CHRHM. Tiếp theo đây, chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến việc điều trị CHRHM.
Điều trị chỉnh hình răng hàm mặt ở trẻ em
Thông thường có 2 hình thức điều trị chỉnh hình răng hàm mặt (CHRHM) ở trẻ là cố định hay tháo lắp, hoặc kết hợp cả 2 loại.
CHRHM tháo lắp
Là loại khí cụ mà tự trẻ có thể tự tháo ra và lắp vào miệng dễ dàng theo ý muốn. Trẻ sẽ tự mang hàm mỗi ngày và có thể cả khi ngủ. Bác sĩ (BS) điều trị sẽ hướng dẫn cách mang và thời gian mang mỗi ngày.
Hàm thường được sử dụng để di chuyển, điều chỉnh một răng hay một nhóm răng. Khí cụ chỉnh nha tháo lắp có rất nhiều loại hình thức và tác dụng khác nhau, do BS CHRHM chỉ định, thiết kế và thực hiện.
Thuận lợi của loại khí cụ này là trẻ có thể tháo ra theo ý muốn nên dễ được chấp nhận và trẻ có thể ăn, uống những món mà mình ưa thích trong quá trình điều trị. Hàm tháo lắp có ưu điểm là thực hiện nhanh, rẻ tiền và thoải mái cho bệnh nhân khi cần tháo ra, nhất là khi ăn.
Tuy nhiên, bất lợi của loại khí cụ này là dễ bị hư hỏng, dễ bị mất, kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thái độ hợp tác của trẻ, vì nó chỉ có tác dụng khi mang vào miệng. Nếu trẻ không tự giác mang hàm thường xuyên liên tục, kết quả điều trị sẽ bị hạn chế. Khí cụ này không điều chỉnh được những lệch lạc răng phức tạp, do những bất lợi này, khí cụ tháo lắp thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị và sau thường được thay thế bằng khí cụ cố định.
CHRHM cố định
Khí cụ cố định thường bao gồm các mắc cài, dây cung và khâu được gắn chặt lên răng lúc bắt đầu điều trị và chỉ được tháo ra khi hoàn tất điều trị, bệnh nhân không cần phải thao tác gì cả.
Các mắc cài nếu bằng kim loại thì sẽ có màu kém thẩm mỹ nhưng hiện nay đã có một số loại mắc cài thẩm mỹ làm bằng mắc cài sứ, composite, hoặc đá, có màu như men răng nên khi mang sẽ đẹp hơn. Các loại thun đàn hồi có nhiều màu sắc được gắn vào mắc cài để giữ dây cung vào các mắc cài và khâu, đồng thời tạo lực trên dây cung và răng.
Khí cụ này được gắn chặt lên răng và có rất nhiều ưu điểm: điều trị cho hiệu quả tốt đối với những trường hợp răng lệch lạc phức tạp, kết quả điều trị ít phụ thuộc vào bệnh nhân. Tuy nhiên, nhược điểm của điều trị bằng khí cụ cố định là chi phí khá cao.
Quá trình CHRHM ở trẻ được tiến hành như thế nào?
Lần khám đầu tiên: BS sẽ lấy mẫu răng bằng thạch cao để nghiên cứu và chụp những phim X-quang cần thiết để phục vụ cho chỉnh nha.
Lần khám thứ 2: sau khi khám lâm sàng, có phim X-quang đầy đủ, bác sĩ sẽ tư vấn những thông tin về quy trình thực hiện chỉnh răng, sẽ có phương pháp điều trị riêng cho từng trường hợp, cho biết thời gian chỉnh răng trong bao lâu, trao đổi các qui định trong việc hợp tác CHRHM để có hiệu quả, các chi phí cần thiết cho việc điều trị.
Các lần khám tiếp theo đúng lịch hẹn của BS, cách nhau khoảng 2 tuần hay 1 tháng: BS gắn mắc cài lên răng, chỉnh dây cung và mắc cài để từ từ điều chỉnh các răng lệch lạc vào đúng vị trí của nó, xử lý các vấn đề cụ thể xảy ra trong quá trình nắn chỉnh răng. Những ngày đầu mang mắc cài trên răng, trẻ có thể hơi đau và thấy không thoải mái lắm, nhưng chỉ sau 1 – 2 tuần trẻ sẽ thích nghi dần.
Việc điều trị chỉnh hình răng kéo dài bao lâu?
Chỉnh nha là một quy trình điều trị được thực hiện trong một khoảng thời gian dài tùy từng trường hợp. Thời gian thực tế còn phụ thuộc vào độ tuổi, tính nghiêm trọng các sai lệch, mức độ lệch lạc của răng và sai hình của hàm, mức độ phức tạp phải di chuyển răng, phương pháp điều trị được áp dụng và sự hợp tác của bệnh nhân, sự đáp ứng của mô đối với vấn đề di chuyển răng nên rất khó đưa ra thời gian điều trị chính xác.
Nói chung, thời gian chữa trị với những khí cụ CHRHM trung bình kéo dài từ 1-3 năm. Đối với trẻ em, việc điều trị có thể chia thành nhiều đợt: đợt đầu là giai đoạn chỉnh nha phòng ngừa, can thiệp; sau đó là tạm dừng và giám sát những thay đổi trong quá trình trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn và cuối cùng là giai đoạn CHRHM toàn diện.
Tầm quan trọng của sự hợp tác của bệnh nhân trong điều trị
Điều trị chỉnh nha là một điều trị đòi hỏi thời gian lâu dài và cần có sự theo dõi liên tục, đầy đủ. Muốn điều trị chỉnh hình thành công cần sự nỗ lực hợp tác của cả BS và bệnh nhân. Sự hợp tác chặt chẽ giữa cha mẹ và trẻ được chỉnh hình là rất cần thiết để đạt kết quả tốt. Muốn vậy cần:
– Luôn tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi và điều chỉnh khí cụ, phải tuân thủ các hướng dẫn, lời dặn của BS (cách đeo và thời gian đeo thun, các khí cụ trợ lực). Nghiêm túc mang những khí cụ tháo lắp như: dây thun, băng đầu, khí cụ duy trì đúng theo sự hướng dẫn của BS CHRHM. Các khí cụ chỉnh nha khi ở đúng vị trí sẽ tạo ra các lực hữu hiệu và cho kết quả tốt nếu mang đủ thời gian. Ngược lại, có thể không có tác dụng hoặc thậm chí có thể gây chấn thương.
– Cần giữ gìn vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, đặc biệt khi điều trị bằng các khí cụ cố định để phòng ngừa sâu răng hoặc viêm nướu và hôi miệng. Nếu không vệ sinh răng miệng tốt, có thể sẽ xuất hiện hiện tượng đốm trắng mất khoáng, sâu răng hoặc viêm nướu.
– Phụ huynh nên giám sát và kiểm tra để bảo đảm trẻ vệ sinh răng miệng tốt và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của BS khi mang các khí cụ. Cần kiểm tra các khí cụ, mắc cài hay khâu ở tình trạng tốt hay không. Nếu có bị sút, gãy hoặc gây đau thì báo cho BS ngay.
– Phải ngưng các thói quen xấu của trẻ như: thói quen mút tay, tật đẩy lưỡi… Việc điều trị sẽ không thành công nếu các thói quen trên không được loại bỏ.
– Trẻ cần chịu đựng và chấp nhận một ít sự khó chịu về phát âm khi mang các khí cụ điều trị CHRHM, nhất là khí cụ tháo lắp hoặc có thể bệnh nhân bị đau trong một hai tuần lễ đầu.
– Trẻ cần tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của BS CHRHM trong việc ăn uống như không được ăn những thức ăn dai, cứng như đá cục, kẹo, hạt đậu, bánh mì cứng hay những thức ăn dính, không được cắn bút hay viết chì sẽ làm hư sút các mắc cài chỉnh hình và dễ làm gãy, rớt và biến dạng các khí cụ chỉnh hình làm kết quả điều trị sẽ lâu hơn.
– Trẻ không nên chơi những môn thể thao như đá banh, hoặc chơi những trò chơi có thể gây chấn thương vùng mặt hoặc làm chấn thương răng.
Tại sao trẻ phải tiếp tục mang một số khí cụ sau khi nắn chỉnh các răng về đúng vị trí?
Quá trình điều trị chỉnh nha không chỉ là nắn chỉnh các răng về vị trí mong muốn, mà nó còn gồm cả một giai đoạn cuối được gọi là “giai đoạn duy trì”. Sau khi các răng đã di chuyển đến đúng vị trí, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục mang một loại khí cụ để duy trì kết quả đạt được, nhằm giữ các răng ở đúng vị trí ổn định.
Điều trị duy trì là rất quan trọng để ổn định sự vững chắc của xương và răng, vì sau khi tháo khí cụ chỉnh hình, mô nha chu cần có thời gian để tổ chức lại cấu trúc, nướu và xương xung quanh tiếp tục điều chỉnh. Mặt khác, áp lực mô mềm luôn có khuynh hướng đẩy các răng trở về vị trí cũ.
Khí cụ duy trì có thể là khí cụ cố định hay tháo lắp, hoặc có thể chỉ là một đoạn dây kim loại được dán vào mặt trong của các răng. Mang những khí cụ này theo đúng hướng dẫn là cách bảo đảm tốt nhất để ngăn ngừa sự tái phát trong CHRHM. Thời gian mang khí cụ duy trì thay đổi tùy từng trường hợp, có thể kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn để ngăn ngừa sự dịch chuyển trở lại của răng.