Nhiệt độ cao của mùa hè cùng với thói quen hay đùa nghịch nhiều khiến trẻ em thường đổ nhiều mồ hôi và hay mắc các bệnh ngoài da như: rôm sảy, chốc, chàm sữa,.. Khi thấy con bị mắc các bệnh trên thì các bậc cha mẹ có nên dùng thuốc hay không và sử dụng như thế nào? Dưới đây là một số lưu ý cho việc sử dụng thuốc chữa bệnh ngoài da của trẻ:
Rôm sảy:
Khi các lỗ chân lông bị bít, mồ hôi không tiết được, ứ lại, tạo ra trên da nhiều mụn nước, bên trong có màu đỏ, gọi là rôm sảy. Có thể phòng rôm sảy bằng phấn rôm (thực chất là bột talc). Vệ sinh sạch sẽ, lau khô da rồi mới rắc một lớp bột talc mỏng. Nếu da không sạch, có nhiều mồ hôi hay rắc bột talc quá dày thì sẽ gây bết, làm cho lỗ chân lông bị bít kín thêm, trẻ dễ bị rôm sảy hơn. Khi trẻ bị rôm sảy nhiều có thể dùng thuốc tím pha loãng để tắm, tắm ít nhất ngày một lần với dung dịch thuốc tím loãng (1/10.000). Bôi dung dịch dalibour toàn thân mỗi ngày một đến hai lần. Chấm thuốc màu eosine hay millan vào chỗ da bị trầy sưng. Chú ý, không được dùng kháng sinh hay corticoid khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh chốc:
Là bệnh nhiễm trùng da nguyên phát do liên cầu khuẩn (hoặc có thể có cả tụ cầu khuẩn), thường xuất hiện ở đầu, mặt, cổ. Khởi phát là một bóng nước trong hoặc dát hồng trong có bóng nước. Sau đó, bóng nước hóa mủ, mủ làm dính các sợi tóc lại với nhau; sau đó vỡ ra, đóng mày vàng mật ong, dưới mày là một vết trợt đỏ rớm dịch, thương tổn nằm dưới lớp sừng. Sau khi các bóng nước đã vỡ bôi dung dịch millan lên các vết trợt. Làm mềm và tróc vảy bằng cách đắp khăn ướt tẩm dung dịch thuốc tím pha loãng (1/10.000) hay các loại pommade sát khuẩn. Không được dùng pommade penicilin hay sulfamid vì dễ gây ra chàm tiếp xúc. Trường hợp bôi thuốc không có kết quả, tổn thương nhiều thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ có phải dùng kháng sinh hay không.