Nếu con bạn không may bị cát, bụi hay những côn trùng nhỏ bay vào mắt, bạn sẽ phải làm gì để sơ cứu giúp con? Có cách nào để phòng ngừa những nguy cơ như vậy?
Phương pháp sơ cứu
Nếu vật lạ rơi vào mắt trẻ, tuyệt đối không để trẻ dùng tay dụi mắt.
Rửa sạch tay, sau đó dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ mở rộng hai mí mắt của trẻ. Hướng dẫn trẻ đảo mắt sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới để mắt chuyển động từ đó tìm ra vật lạ, nếu vật lạ nằm trong phần lòng trắng mắt.
Bạn có thể dùng một góc khăn sạch nhẹ nhàng khều nhẹ vật thể ra. Hoặc cũng có thể để phần đầu của trẻ hơi nghiêng về phía mắt bị thương, rồi bảo trẻ mở to mắt ra, sau đó dùng nước sạch nhẹ ngàng xối vào mắt trẻ.
Nếu cát rơi vào bên dưới mí mắt trẻ, bạn không nên áp dụng dụng phương pháp trên mà hãy lấy một que nhỏ (que tăm không sắc nhọn, que diêm) đặt sát xuống bên ngoài mí mắt, sau đó lật ngược mí mắt lên về phía que, rồi dùng một góc khăn tay sạch lấy hạt cát ra, hoặc cũng có thể dùng nước sạch để xối mắt, thổi mạnh vào mắt.
Nếu vật lạ rơi vào con ngươi và giác mạc thì không nên tự xử lý mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu và băng con mắt bị thương lại vì con ngươi và giác mạc rất mỏng và mềm.
Khi mắt trẻ bị bỏng do hóa chất cần nhanh chóng loại bỏ dung dịch hóa chất bằng dung dịch nước muối hoặc bất kỳ nguồn nước sạch nào. Phải đưa trẻ đến bệnh viện để được rửa bằng dung dịch đặc biệt và nhằm bảo đảm không còn hóa chất kết dư trong mắt.
Nếu bị vật lạ, cứng, sắc nhọn đâm vào mắt và vẫn còn nằm trong mắt, tuyệt đối không được tự ý lấy vật đó ra để tránh nguy cơ có thể bị mù, hãy bình tĩnh giữ yên và đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế, để tránh để trẻ dụi mắt, nhất thiết phải giữ chặt tay trẻ lại.
Riêng trẻ bị bỏng vôi cần rửa bằng nước đường đặc hay siro vì vôi gặp đường không còn tác hại đến mắt; lưu ý không được dùng nước cất hay nước lã vì nước gặp vôi chưa tôi gây phản ứng nhiệt làm mắt bị bỏng thêm. Tuyệt đối không được băng kín vì sẽ gây nên dính nhãn cầu và dính mi.
Lưu ý
Mắt rất dễ bị tổn thương, khi bị tổn thương sẽ có nguy cơ cao nhất là bị mù cả đời; vì vậy thường ngày cần dạy trẻ biết bảo vệ mắt, khi chơi đùa không nên nghịch cát, đá ném vào mắt bạn cùng chơi.
Khi lấy những vật lạ trong mắt trẻ, cần thao tác nhẹ nhàng, cẩn thận. Sau đó cần chuyển trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Không nên tự cố gắng lấy dị vật, vật đâm vào mắt trẻ ra bằng tăm bông, vật nhọn, đầu ngón tay vì nó có thể gây tổn hại thêm cho mắt. Vì vậy cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý sớm.
Không đắp thuốc hoặc chườm đá khi không có chỉ định của bác sĩ, không đắp những thứ chưa tiệt trùng lên mắt bị thương của trẻ như lá, khăn lau.
Giữ lại các vật gây chấn thương, chai lọ và nhãn mác dung dịch gây chấn thương mắt để các bác sĩ có hướng xử lý đúng.
Cách phòng tránh nguy cơ bị dị vật vào mắt trẻ
Bạn nên dạy trẻ biết đôi mắt quan trọng như thế nào đối với con người và cách bảo vệ chúng.
Hướng dẫn trẻ chơi, sử dụng các dụng cụ học tập an toàn, không dùng những đồ vật đó để chơi đùa, đánh nhau.
Tạo môi trường an toàn cho trẻ tại nhà, trường học.
Cảnh báo cho trẻ biết những nguy hiểm có thể xảy ra khi chơi đùa, khi đi tham quan, đến các cơ sở sản xuất hoặc thực hành trong phòng thí nghiệm.
Tuyệt đối không cho trẻ chơi những đồ chơi nguy hiểm như những vật sắc nhọn, dao kéo…
Chai lọ, hóa chất cần cất kín, tránh xa tầm tay của trẻ; không để trẻ lại gần bếp đang nấu, không nghịch lửa.
Hố vôi tôi cần rào kín, không tôi vôi ở gần đường đi lại.