Trẻ từ 4 đến 7 tuổi (đặc biệt là bé gái) rất thích thú khi được cùng làm các công việc nhà giúp cha mẹ. Bé gái thường thích lau nhà, trông em, gấp quần áo còn bé trai lại thích làm các công việc giống bố như dán giấy, sửa xe… Nhưng, khi cho trẻ làm những công việc đó, cha mẹ cần chú ý những tai nạn mà trẻ dễ gặp phải và có thể làm tổn hại đến thể chất và tinh thần còn non yếu của trẻ.
Đảm bảo an toàn về thể chất
Tạo điều kiện cho trẻ quan sát người lớn làm việc và hướng dẫn trẻ làm theo
– Đừng vì sợ vướng víu mà bạn đẩy trẻ ra xa khỏi những công việc bạn đang làm. Trí tò mò, thích tìm hiểu của trẻ sẽ dẫn đến những hành động như nhìn trộm quan sát từ xa rồi khi bạn vắng nhà, trẻ sẽ tự ý thực hiện như vậy sẽ rất dễ xảy ra tai nạn.
– Để bảo đảm an toàn khi trẻ muốn giúp việc nhà, tốt nhất bạn nên quan sát những việc mà trẻ tỏ ra rất thích thú, quan tâm. Sau đó hướng dẫn trẻ cách thực hành theo quy trình và bảo đảm an toàn nhất. Cuối cùng, cho trẻ thử một vài lần để dẫn đến thành thạo.
Bạn nên chú ý những công việc nhà có thể gây nguy hiểm cho trẻ
Bạn nên phân loại những việc trẻ có thể làm và những việc trẻ tuyệt đối cấm không được tham gia vào. Tuỳ theo từng lứa tuổi, đặc điểm thể chất, tinh thần của trẻ mà giao việc một cách hợp lý.
– Trẻ còn ở mẫu giáo thì chỉ nên tập cho trẻ biết cách tự chăm sóc bản thân như: tự mặc quần áo, tự đi giày, tự xúc cơm… những việc đơn giản đó trẻ hoàn toàn có thể làm được.
– Khi trẻ đến tuổi tiểu học nên bắt đầu tập cho trẻ tham gia những công việc nhà đơn giản như: tập rửa bát, gấp quần áo, tự tắm, quét nhà…
– Không nên cho trẻ làm những việc liên quan đến ổ cắm điện, bếp gas, đồ dùng nấu ăn khi trẻ còn chưa hết tuổi tiểu học. Vì lúc này trẻ chưa đủ hiểu biết và nhanh nhẹn để biết cách phòng tránh và đối phó với những trường hợp nguy hiểm.
Nói tóm lại, vấn đề an toàn về thân thể cho trẻ khi tham gia vào việc nhà là điều các bậc cha mẹ nên chú ý đề phòng để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ.
Đảm bảo an toàn về tinh thần
Khi cha mẹ sợ con làm việc nhà có thể xảy ra tai nạn thì không cho con làm bất kỳ việc gì. Điều đó dẫn đến tổn thương về mặt tinh thần của trẻ, vô hình chung làm cho trẻ hình thành tính ỷ lại, ích kỷ, thiếu tự tin và thiếu khả năng quyết đoán. Vì vậy, để tạo ra một môi trường an toàn về mặt tinh thần cho trẻ trong khi làm việc nhà, các bậc cha mẹ nên:
– Khi trẻ tỏ ý quan tâm và muốn được tham gia vào một công việc nào đó mà bạn không thấy quá khó đối với trẻ thì nên bỏ thời gian ra hướng dẫn trẻ. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các công việc ưa thích sẽ góp phần củng cố sự tự tin, phát triển năng lực, sức sáng tạo của trẻ.
– Khi hướng dẫn trẻ, bạn phải có thái độ tôn trọng những ý kiến, thắc mắc của trẻ. Đặc biệt bạn phải kiên nhẫn, từ tốn. Trẻ ở tuổi tiểu học thường rất hay tò mò, thích khám phá nhưng dễ nản lòng, dễ tổn thương nếu bị bạn chê trách quá nhiều. Nếu điều này lặp lại nhiều lần dễ hình thành định kiến không tốt về bản thân trong đầu trẻ.
– Khi trẻ sai phạm hay không tuần theo lời dặn của bạn làm hỏng việc, bạn không nên nổi nóng gây tổn thương trẻ
– Khi có việc gì đó cần đến trẻ, bạn đừng ngần ngại. Hãy tập cho trẻ thói quen làm việc, yêu lao động từ nhỏ. Cha mẹ không nên làm tất cả cho trẻ.
Đảm bảo an toàn về tài sản – thể chất
Đây là một việc làm hết sức quan trọng mà nếu trẻ không được hướng dẫn cụ thể sẽ gây hậu quả khôn lường. Đặc biệt nhất là khi trẻ rời khỏi căn nhà của mình, ra ngoài làm một việc gì đó, mối đe doạ luôn tiềm ẩn. Vì vậy bạn luôn cần nhắc nhở trẻ:
– Sau khi ra khỏi nhà làm bất kể một việc gì đó (đổ rác, lấy thư) cần phải đóng cửa. Điều này hình thành thói quen tốt cho trẻ sau này. Trẻ vốn hồn nhiên, vô tư nên không thể nghĩ đến việc có người đột nhập vào nhà.
– Phòng vệ chống những kẻ tấn công bất ngờ khi ra ngoài. Cha mẹ nên giảng giải cho con trẻ biết là không nên ngần ngại kêu cứu trong những trường hợp gặp nguy hiểm.Vì có những trẻ sợ bị coi là “ngố” hoặc sợ bị hớ nếu kêu cứu mà thực sự điều đó không xảy ra. Có những trẻ lớn lên trong sự bao bọc của gia đình, chưa vấp váp hoàn cảnh khó khăn nào nên khi gặp nguy hiểm, trẻ sẽ hoảng sợ, không dám kêu cứu, thậm chí còn ngất xỉu.
– Dạy trẻ không đi thang máy một mình cùng với người lạ mặt. Vì đây là nguy cơ trẻ bị xâm hại là rất cao. Có thể lúc ban đầu người đó không có ý định xấu nhưng do điều kiện thuận lợi như một mồi nhử kích thích hành vi phạm tội.
– Không được vừa đi vừa đọc báo, đọc sách hay lơ đãng nhìn xung quanh. Điều này có thể dẫn đến những tai nạn như vấp ngã, té cầu thang, đập đầu vào tường nếu đi trong nhà.