Tính hiếu động ở trẻ nhỏ sẽ làm chúng rất dễ bị ngã do leo trèo hay nghịch ngợm… gây tổn thương ngoài da và thậm chí dẫn đến bị gãy chân, tay… vì thế, cha mẹ luôn luôn phải để mắt đến các bé, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu không may trẻ bị tổn thương nặng, bạn nên bình tĩnh và hãy nhanh chóng áp dụng các biện pháp sơ cấp cứu tại chỗ cho bé trước, sau đó mới đưa bé đến bệnh viện.
Dụng cụ sơ cứu
– Thùng hoặc túi đựng đồ sơ cứu: Bạn hãy cất giữ bộ dụng cụ sơ cứu trong một thùng sạch sẽ, khô ráo để tránh mất mát hoặc thất lạc các vật dụng khi cần thiết.
– Những tấm gạc không có keo dính, thấm nước, vô trùng. Khi băng bó có thể tháo ra khỏi vết thương một cách dễ dàng.
– Bông gòn.
– Băng hình tam giác: có thể dùng làm dây deo hoặc bảo vệ đồ băng bó.
– Đồ băng bó được chuẩn bị sẵn: loại này gồm có một miếng gạc được gắn sẵn vào cuộn băng và cuốn được dễ dàng quanh vết thương.
– Bộ băng dán cá nhân: Dùng để dán lên các vết thương hở, đứt da.
– Thuốc nước calamine làm dịu những chỗ da bị cháy nắng, những nốt côn trùng cắn.
– Thuốc sát trùng.
– Các dụng cụ khác: kéo, nhíp, kim băng, nhiệt kế, kẹp cố định…
Các việc cần ưu tiên giải quyết
Khi các bé bị ngã, đứt tay, tai nạn…, các bậc cha mẹ cần phải biết rõ là nên áp dụng những biện pháp nào là thích hợp và ưu tiên giải quyết vấn đề gì trước. Cụ thể, cần xem xét:
– Trẻ có bị nguy hiểm không? Nếu có thể, hãy giúp trẻ thoát khỏi nguy hiểm đó. Đừng di chuyển, nếu nghi trẻ bị gãy xương, hãy gọi cho bác sĩ để được trợ giúp.
– Trẻ có tỉnh táo không? Lau nhẹ vai của bé và liên tục gọi tên để biết bé có tỉnh táo hay không?
– Trẻ có bị ngạt thở hay không? Hãy khai thông đường thở của bé bằng cách, đỡ cằm của bé lên và ngả đầu bé về phía sau. Kế tiếp, loại bỏ tất cả những gì cản trở đường thở của bé.
– Kiểm tra xem trẻ còn thở hay không? Hãy nghiêng người ghé sát tai mình vào miệng bé để nghe hơi thở của bé và cảm nhận điều này bằng làn hơi thở vào má của bạn. Hãy nhìn ngực của bé xem có phập phồng hay không. Sau 5 giây, nếu không nhận thấy có dấu hiệu nào cho biết bé đang thở, hãy dùng miệng để hô hấp nhân tạo cho bé. (Để biết thêm chi tiết, bạn hãy tham khảo thông tin trong bài viết ” Sơ cấp cứu khi bé bị ngạt thở, sặc và choáng).
– Kiểm tra mạch ở cánh tay và cổ của trẻ, hoặc đặt tay lên ngực trẻ và đếm nhịp đập của tim. Mạch bình thường của bé có nhịp đập trung bình 120 nhịp/phút, với các bé lớn hơn thì con số này sẽ ít hơn. Nếu mạch của bé không nhảy hoặc nhảy dưới 60 nhịp/phút, hãy áp dụng phương pháp xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo trong một phút và nhanh chóng gọi xe cấp cứu.
Đưa bé đi bệnh viện
Bạn hãy gọi xe cứu thương hoặc nhờ người khác gọi điện thoại nếu:
– Bạn nghĩ là bé có thể bị chấn thương cột sống.
– Bạn nghĩ, bé cần điều trị đặc biệt trên đường chở đến bệnh viện.
– Bạn không có phương tiện chuyên chở thích hợp. Nếu bạn đích thân đưa con bạn đi bệnh viện, bạn hãy cố gắng nhờ người khác lái xe để bạn ngồi sau với bé và tiếp tục sơ cứu cho bé.
– Trong trường hợp bạn cần xe cứu thương và con bạn thì bất tỉnh, bạn chớ để bé một mình quá một phút. Nếu có thể, bạn vẫn trông chừng bé trong khi gọi điện thoại cấp cứu. Nếu bé ngừng thở, bạn hãy tiến hành sơ cấp cứu cho bé trước khi gọi xe cứu thương. Nếu cần, bạn hãy gọi lớn tiếng để người khác tới trợ giúp.