Mọi người đang làm cha làm mẹ đều mong muốn có thể đưa ra được những quyết định hợp lý nhất, tốt nhất cho con. Tuy nhiên, chúng ta không thể quyết định tất cả mọi chuyện giúp trẻ được, đến một lúc nào đó bạn phải để trẻ tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình.
Hướng dẫn trẻ đưa ra quyết định
Chúng ta cần giúp trẻ trong việc đưa ra quyết định, để trẻ có thể tự xoay xở khi không có chúng ta bên cạnh. Tuy nhiên, trẻ không dễ dàng để tự đưa ra quyết định một mình trong các tình huống cụ thể. Vì thế, chúng ta cần tin tưởng và khuyến khích trẻ làm việc này từ đơn giản, đến phức tạp.
Quá trình này nên tiến hành từ khi trẻ từ 4 – 5 tuổi. Mới đầu, chúng ta nên cho trẻ đưa ra những quyết định nhỏ để tập dần lòng tự tin và tạo kỹ năng đưa ra quyết định cho trẻ. Ví dụ, chúng ta có thể giúp trẻ lựa chọn giữa hai món ăn trong bữa sáng, hoặc chọn giày để đi chơi vào ngày cuối tuần. Những chọn lựa này thường không quan trọng, nhưng sẽ tạo cho trẻ những kinh nghiệm đầu tiên về kỹ năng đưa ra quyết định. Thực hiện các lựa chọn này nhiều lần sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định trong cuộc sống sau này.
Dạy cho trẻ kỹ năng ra quyết định
Trước khi phải chọn lựa một điều gì đó trong cuộc sống, bản thân chúng ta cũng luôn xem xét một cách kỹ lưỡng mọi khả năng có thể xảy ra và thường cân nhắc thật kỹ, rồi mới đưa ra một chọn lựa nào đó. Vì vậy, không có lý do gì khiến chúng ta không khuyến khích trẻ thực hiện giống như vậy, nghĩa là suy nghĩ cẩn thận về ảnh hưởng của những quyết định mà mình đưa ra. Chúng ta nên thảo luận với trẻ biết được tại sao trẻ lại chọn cái này mà không chọn cái kia. Nên cởi mở, thẳng thắn để trẻ dễ dàng bộc lộ quan điểm, vì nếu không, trẻ sẽ nghĩ là chúng ta đang phê phán những quyết định của trẻ. Trò chuyện thoải mái cũng như một hình thức trao đổi kinh nghiệm trực tiếp sẽ giúp trẻ biết cách đánh giá kỹ trước những chọn lựa. Đây là một quá trình cần phải thực hiện xuyên suốt trong mọi hoàn cảnh phải đưa ra quyết định.
Đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh khác nhau
Hãy giúp trẻ phát triển khả năng đưa ra quyết định thích hợp, nhất là trong những tình huống sau đây:
– Khuyến khích trẻ quan tâm đến những ảnh hưởng khi đưa ra lựa chọn. Mỗi quyết định của trẻ trong từng hoàn cảnh đều ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình với mức độ khác nhau. Vì vậy, hãy tập cho trẻ thói quen quan tâm đến người khác trong quá trình chọn lựa, đặc biệt là đối với cha mẹ, anh chị em, bởi đây là một phần không thể thiếu trong đời sống gia đình.
– Đề ra những giới hạn trong việc chọn lựa. Rõ ràng là chúng ta cần phải đề ra một giới hạn nào đó cho trẻ khi chọn lựa, vì nếu không sẽ dễ gây ra những hiểu lầm không đáng có. Thật ngớ ngẩn khi chúng ta cứ để cho trẻ chọn những điều không thể thực hiện được hoặc phi thực tế.
– Chấp nhận ý kiến của trẻ ngay cả khi chúng đi ngược với ý kiến của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự cho phép trẻ chọn lựa, có thể trẻ sẽ đưa ra một quyết định khác với những gì mà chúng ta thật sự mong muốn. Vì vậy, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần để chấp nhận trường hợp này.
– Đưa ra quyết định sau cùng. Thật là ngây ngô khi nghĩ rằng, một trẻ 12 tuổi có thể chọn lựa một cách tùy tiện mà không có sự giám sát của người lớn. Cha mẹ cần dạy cho trẻ cách đưa ra chọn lựa khi cha mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó, để chúng ta luôn có quyết định hỗ trợ trẻ kịp thời khi cần thiết
– Giúp trẻ quên đi những mối hoài nghi khi đưa ra lựa chọn. Chúng ta vẫn thường có những mối hoài nghi về một chọn lựa nào đó trong cuộc sống. Và chắc chắn trẻ cũng thế, trẻ cũng có những lo lắng sau khi đã quyết định lựa chọn một điều gì đó. Trong những tình huống này, chúng ta cần khuyến khích để trẻ có cái nhìn lạc quan hơn về vấn đề này.