Đã làm cha, làm mẹ, bạn sẽ luôn mong muốn trẻ nhỏ không giữ những điều bí mật trong lòng mà nên chia sẻ tất cả mọi suy nghĩ, mọi vui buồn trong cuộc sống với mình. Bạn sẽ cảm thấy thật vui mừng và hạnh phúc khi trẻ làm điều này vì như thế trẻ đã thể hiện sự tin tưởng, gắn bó với bạn.
Tuy nhiên, ai cũng có khoảng trời riêng của mình và trẻ nhỏ cũng vậy. Thực tế cho thấy, có nhiều đứa trẻ rất kín đáo và muốn giữ một số những điều thầm kín cho riêng mình.
Những điều thầm kín của trẻ có thể là: Một tình bạn đẹp, một bài hát mà trẻ yêu thích, hoặc thầy, cô hay một người bạn nào đó mà trẻ không thích… và trẻ chỉ chia sẻ với những người bạn cùng trang lứa – những trẻ cũng có những vấn đề này giống trẻ.
Những lý do khiến trẻ thích giữ lại những điều thấm kín
Đôi khi, trẻ giữ điều thầm kín vì hiểu rằng đó có thể là một việc mà cha mẹ không tán thành và nếu yêu cầu hay bắt buộc trẻ nói thì có thể trẻ sẽ nói dối.
Có những trẻ nhút nhát, ít bộc lộ cảm xúc riêng, không dám thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình ngay cả bố mẹ. Với những trẻ này, viết nhật ký là cách tốt nhất thể hiện bản thân mình, chúng muốn giữ cuốn nhật ký đó cho riêng mình. Đây cũng là cách mà rất nhiều trẻ sử dụng để thổ lộ những điều thầm kín của mình.
Ngoài ra, trẻ không nói những điều thầm kín vì đó là một bí mật mà có người đã yêu cầu trẻ hoặc trẻ đã hứa là giữ kín chuyện.
Ứng xử trước những điều thầm kín của trẻ
Cha mẹ nên làm gì?
Trong rất nhiều những điều mà trẻ muốn giữ cho riêng mình có thể ẩn chứa rất nhiều điều, trong đó có cả những điều mà có thể ảnh hưởng đến trẻ, thậm chí gây nguy hại cho trẻ hay cả những người khác. Vì vậy, cha mẹ cần phải khéo léo khi ứng xử với những vấn đề nhạy cảm với trẻ.
Cha mẹ sẽ cảm thấy lo lắng và rất muốn biết về những điều thầm kín mà trẻ đang cất giữ. Tuy nhiên, nếu chưa có sự đồng ý của trẻ mà cha mẹ đã can thiệp vào (đọc trộm nhật ký của trẻ…) hoặc ép buộc hay dùng áp lực mạnh bắt trẻ phải nói ra thì rất có thể trẻ sẽ nổi giận, hoặc nói là trẻ không có bí mật nào cả, lúc đó cha mẹ không những không được trẻ chia sẻ mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của trẻ dành cho cha mẹ và ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ và cha mẹ mình.
Hãy tỏ ra mong muốn chia sẻ chân thành để trẻ hiểu rằng, cha mẹ đang rất lo lắng cho chúng. Hãy nói với trẻ rằng, chúng ta tôn trọng những điều riêng tư của trẻ, tuy nhiên cũng có nhiều điều trẻ không nên giữ bí mật, ví dụ như trẻ đang bị ai đó đe dọa, tấn công hoặc trẻ đang giữ một điều bí mật sai trái nào đó.
Hãy động viên và cho trẻ hiểu rằng, trẻ có thể nói cho cha mẹ nghe bất cứ chuyện gì vì cha mẹ luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu mọi điều chia sẻ của trẻ. Đồng thời để tạo sự tin tưởng nơi trẻ, cha mẹ hãy nhấn mạnh với chúng rằng: cha mẹ sẽ không bao giờ tiết lộ những điều bí mật này với bất kỳ ai khác. Khi đã hứa với trẻ, cha mẹ cần phải nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình.