Một sản phụ ở Bình Phước đã đâm đơn đòi bác sĩ khám thai phải bồi thường vì cho rằng bác sĩ kém chuyên môn, không chẩn đoán ra con bị Down khiến khiến con chị bị bệnh khi chào đời.
Theo các bác sĩ chuyên khoa khám sản, nếu xác định chính xác thai nhi bị down, sản phụ sẽ được tư vấn để tự đưa ra quyết định cuối cùng.
Người vừa khởi kiện lên Tòa án quận 1, TP HCM, là chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền, sinh năm 1984, nhà ở Bù Đăng, Bình Phước. Bên bị kiện là một bệnh viện phụ sản tư nhân trên địa bàn quận 1.
Theo chị Tuyền, cuối năm 2010 khi mang thai con thứ hai, dù nhà ở tỉnh Bình Phước nhưng chị vẫn đến bệnh viện này khám thai và sinh. Người trực tiếp khám là bác sĩ phó giám đốc của bệnh viện.
Qua 3 lần siêu âm, gồm lần đầu đo độ mờ da gáy lúc 12 tuần tuổi, siêu âm bốn chiều khi thai lúc 21,5 tuần và siêu âm thai doppler màu khi thai được 33,5 tuần. Kết quả cho thấy thai nhi nằm trong nhóm nguy cơ thấp mắc hội chứng Down.
Cuối tháng 4, khi đang ở Bình Phước, chị Tuyền có dấu hiệu đau bụng. Qua điện thoại, sản phụ được bác sĩ từng khám cho mình hướng dẫn đến Bệnh viện Từ Dũ sinh cấp cứu vì chị đang trong tình trạng nguy hiểm. Sau khi sinh, nghi ngờ bé mắc hội chứng Down, các bác sĩ cho làm xét nghiệm và xác định cháu bị Down thật.
Cho rằng bác sĩ kém chuyên môn, thiếu trách nhiệm trong việc tư vấn khiến gây hậu quả nghiêm trọng đến cháu bé và gia đình, chị Tuyền đòi bệnh viện phải bồi thường số tiền 500 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi sáng nay, vị bác sĩ trực tiếp khám cho chị Tuyền từ chối trả lời vụ việc. Bác sĩ này cho rằng, kiện cáo là quyền của sản phụ, còn kết luận đúng sai đến nay chưa thể trả lời.
Hiện tòa án quận 1 đã thụ lý đơn kiện của chị Tuyền. Theo quy trình, vụ việc sẽ chuyển đến Thanh tra Sở Y tế TP HCM làm rõ trước khi được phân xử.
Bình thường, con người có 46 nhiễm sắc thể (23 cặp), một nửa số này thừa hưởng từ cha, nửa kia nhận từ mẹ. Trẻ bị bệnh Down có 47 nhiễm sắc thể vì đến 3 nhiễm sắc thể thứ 21 (hiện tượng nhiễm sắc thể tam đồng). Chính nhiễm sắc thể này đã phá vỡ sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ.
Theo các nhà khoa học, những thai phụ ngoài 35 tuổi có nhiều nguy cơ sinh con bị Down hơn những thai phụ còn trẻ tuổi. Thống kê cho thấy, cứ 350 cuộc sinh của những phụ nữ ở tuổi này thì có một trẻ sinh ra bị hội chứng Down (tỷ lệ 1:350); Còn ở phụ nữ tuổi 40, tỷ lệ khoảng 1:100; ở tuổi 45 tỷ lệ là 1:30.
Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán có thể giúp nghi ngờ nguy cơ bệnh Down từ tuần thai thứ 12. Cùng với các xét nghiệm tiếp theo, các bác sĩ sẽ xác định chính xác hơn để có lời khuyên cho sản phụ, từ đó đưa ra quyết định để hay bỏ con.