Có một câu châm ngôn rất hay: “Hãy khen tôi trước đám đông và phê bình tôi khi chỉ có một mình tôi”. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh, thậm chí cả thầy cô giáo, để “răn đe” học sinh, đã lôi những lỗi của các em ra bêu xấu trước mặt bạn bè chúng. Cách làm này vừa không chỉ khiến các em rơi vào tự ti, mặc cảm chứ không thể “ngăn ngừa” được hành vi xấu.
“Đừng buồn nữa, dù sao con cũng nổi tiếng rồi!“
Bài văn nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp, nhằng nhịt lỗi của cháu Lê Bảo Minh, trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội đã được nhà trường đóng khung và treo ở bảng tin cho các bạn khác cùng nhìn. Việc bị “bêu xấu” trước toàn trường khiến cháu Minh bỗng dưng mất tự tin, không dám cởi mở với bạn bè.
Chị Bùi Thanh Hà, phụ huynh của cháu cho biết: “Lúc đầu cháu còn bảo mẹ cho chuyển trường vì quá xấu hổ với bạn bè. Đúng là khả năng học văn và tiếng Việt của cháu không bằng các bạn khác. Cháu viết bài hay có lỗi chính tả nên điểm môn này lúc nào cũng chỉ có 5 và 6 thôi. Tôi đã phải cố gắng an ủi cháu mãi.”
Có lúc cả hai vợ chồng cùng nói vui: “Thôi con ạ, đừng buồn nữa, người ta còn mất tiền để được nổi tiếng. Mình có mất đồng nào đâu mà cũng vẫn nổi tiếng. Rồi nhà trường lại phải mất tiền mua khung riêng để treo bài văn của mình nữa. Thế chẳng là lãi quá còn gì“. Sau một thời gian, cháu cũng nguôi ngoai và coi chuyện đó là bình thường. Nhưng niềm yêu thích môn văn vẫn không khá lên, ngược lại cháu còn tỏ ra không hợp tác và ngày càng không thích học văn hơn.
Còn chuyện của gia đình anh chị Bùi Thanh Duy và Phạm Thị Liên (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) mấy ngày nay khiến cả nhà mệt mỏi. Trong một lần nhà có khách, chị Liên không kìm giữ được nóng giận đã mắng té tát con gái khi biết kết quả học tập giữa kỳ của con: “Tao nai lưng ra làm lụng nuôi mày chỉ để ăn với học, mà có mỗi việc học mày cũng không làm nổi. Mày vô ơn với bố mẹ mày quá con ạ. Thế này thì tao có đáng phải hy sinh vì mày nữa hay không…“.
Những lời đó đã khiến cô con gái học lớp 6 của chị bỏ đến nhà bác ruột ở ngoại thành ở chứ nhất định không chịu về nhà. Suy nghĩ lại chị Liên thấy mình đã quá lời nhưng những tổn thương từ những lời nói trong lúc nóng giận của chị đối với cô con gái mới lớn hẳn phải cần đến nhiều thời gian mới khỏa lấp được.
Phê bình cũng là một nghệ thuật
ThS Phạm Mạnh Hà, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết, tuyệt đối không nên vì tức giận mà nóng vội “xả” ngay vào mặt con những lời trách mắng thô thiển, hay những hành động bạo lực gây ảnh hưởng tâm lý xấu cho con.
Khi giao tiếp với trẻ, bạn hãy xem mình như là bạn của chúng và giao tiếp với chúng như những gì bạn muốn chúng đối xử với bạn.Trẻ cũng có lòng tự trọng, nếu mắng trẻ trước đám đông và khi bạn bè chúng đang bên cạnh, sẽ làm chúng cảm thấy bị tổn thương và sẽ hận bạn nhiều hơn là nghe lời. Thậm chí trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách cãi lại bố mẹ để bảo vệ mình.
PGS.TS Đỗ Hạnh Nga, khoa Tâm lý, ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM đặt vấn đề, nhiều gia đình, do bố mẹ quá chiều con mà lơ là việc quản lý, giáo dục. Khi con phạm lỗi nghiêm trọng chỉ quát mắng vài lời, thậm chí còn bảo vệ cả cái sai của con khi con gây sự với trẻ hàng xóm. Họ cho rằng làm như vậy là họ yêu con, tôn trọng con.
Tuy nhiên, vô tình họ đã áp đặt cho con mình lối sống không tốt, ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách sau này. Khi trưởng thành, trẻ sẽ có tính tự kiêu, ngạo mạn “coi trời bằng vung“, không biết cách đối nhân xử thế. Vì thế, phê bình trẻ cũng là cả một nghệ thuật mà bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng phải học.