Có được sự quan tâm, vỗ về thường xuyên của người mẹ, trẻ sẽ có khả năng lớn hơn để cưỡng lại sự cám dỗ của ma túy khi trưởng thành.
Kết luận trên mới được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke và Adelaide (Úc) phát hiện thấy sự quan tâm trẻ nhận được khi còn nhỏ có thể tăng hàm lượng phân tử Interleukin-10 trong não bộ, giúp chống lại tác động của chất gây nghiện lên vùng hưởng thưởng trong não.
Nghiên cứu được tiến hành trên chuột bởi chúng là loài dễ bị nghiện nhất, đồng thời hệ thống hưởng thưởng và kết cấu gene trong não bộ của chúng tương tự con người.
Một đàn chuột con được chia làm hai nhóm, trong đó một nhóm bị tách mẹ khoảng 15 phút. Theo quan sát, ngay khi nhóm chuột con này trở lại, chuột mẹ liền kiểm tra rất kỹ, liếm láp để chải lông và lau sạch cơ thể cho chúng.
Sau đó, cả hai nhóm được thả vào một chiếc lồng hai ngăn. Những con chuột đi vào một ngăn được tiêm morphine, còn nếu đi vào ngăn bên kia, chúng sẽ được tiêm nước muối.
Trong 4 tuần tiếp theo, cứ 3 lần mỗi tuần, chúng được đưa trở lại lồng, mỗi lần 5 phút nhưng không được tiêm morphine nữa.
Thoạt đầu, cả hai nhóm chuột con đều thích vào bên tiêm morphine, nhưng chỉ mấy ngày sau, những con chuột con trong nhóm bị tách khỏi mẹ dần dần không còn hứng thú.
Khoảng 8 tuần sau khi tiêm đợt morphine đầu tiên, đám chuột con lại được tiêm một liều morphine nhỏ để kích thích sự thèm thuốc rồi được đưa trở lại lồng.
Đám chuột con bị tách khỏi mẹ vẫn tỏ ra không có hứng thú trong khi nhóm còn lại tiếp tục thích thú với ngăn tiêm morphine.
Kết quả phân tích cho thấy trong cơ thể những con được mẹ âu yếm nhiều chứa một lượng lớn phân tử Interleukin-10.
Morphine khi vào cơ thể gây ra phản ứng phân tử tại một số tế bào nhất định trong vùng hưởng thưởng của não bộ- một phần nguyên nhân gây nghiện ở người.
IL-10 có tác dụng ngăn chặn những phân tử gây viêm do morphine kích thích tế bào não tạo ra. Não bộ sản sinh càng nhiều phân tử IL-10 thì morphine càng ít khả năng gây phụ thuộc sau lần đầu dùng thuốc.