Các chị em vừa sinh con, đặc biệt là những người mới sinh con đầu lòng, thường có rất nhiều điều cần thắc mắc xung quanh chuyện sinh hoạt và nuôi con nhỏ.
Dưới đây là những kiến thức hữu ích cho chị em bầu bí để chuẩn bị hành trang đón con yêu chào đời:
Bao lâu mới được “gần gũi” chồng?
Đây là câu hỏi làm nhiều bà mẹ trẻ phân vân. Chính vì sợ ảnh hưởng tới cơ thể, sợ đau… nên nhiều người chỉ dám bắt đầu chuyện chăn gối từ 4-6 tháng sau khi sinh. Trên thực tế với những ca sinh thường, sau khi sản dịch hết, cơ thể hồi phục là có thể có cuộc sống tình dục bình thường. Tình dục sau khi sinh còn là cách tập thể dục bên trong cơ thể, kích thích sự tuần hoàn máu.
Tuy nhiên, cần quan hệ nhẹ nhàng, cần nhiều sự âu yếm khi “khởi động” để tránh đau đớn, nếu có cho phụ nữ. Không ít phụ nữ tỏ ra thất vọng vì sau khi sinh dường như chuyện chăn gối đã thay đổi. Điều này phần lớn do sự căng thẳng, hoặc do âm đạo sau khi sinh còn khô, giao hợp khó khăn…
Tắm giặt và trang phục
Trong quá trình sinh nở, cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi và chất thải dồn ứ ở lỗ chân lông, vì vậy không nên kiêng tắm. Tắm gội sớm làm sạch da, tẩy bỏ các tế bào chết và lớp bụi bẩn bám trên bề mặt da, giúp cơ thể sảng khoái, máu lưu thông tốt hơn.
Phải tắm bằng nước ấm, nơi kín gió. Có thể kết hợp tắm nóng lạnh, sau khi tắm nước nóng, nên tắm lại bằng 2 gáo nước thường – để tăng sự tuần hoàn máu và đẩy nhanh quá trình co cơ ở thai phụ.
Trong thời kỳ cho con bú, lượng mồ hôi tiết ra nhiều nên các bà mẹ trẻ cần tắm giặt thường xuyên, giữ cho cơ thể sạch sẽ. Nhiều bà mẹ mới sinh có thói quen mặc đồ màu tối với lý do để… sạch hơn. Tuy nhiên, nên mặc màu sáng, giúp dễ phát hiện ra vết bẩn. Màu sắc trang phục không chỉ làm bạn đẹp hơn mà còn mang lại cảm giác vui tươi cho mình và người thân.
Nhiệt độ phòng nghỉ lý tưởng cho cả mẹ và con là 25 độ C. Tuyệt đối không đốt than. Khí điôxít cacbon trong than sẽ làm thiếu ôxy và có thể gây ngạt thở, ngộ độc não.
Vận động và thể dục
Theo các bác sĩ khoa sản, trừ những phụ nữ bị băng huyết hay sinh khó, thì sau khi sinh 6 tiếng là có thể vận động được. Vài ngày sau khi cơ thể hết đau, thai phụ đã có thể bắt đầu với các bài tập vận động nhẹ nhàng như co duỗi tay, nằm ngửa co duỗi chân, thực hiện động tác đạp xe trong không khí, hít thở (hít sâu, đếm đến 8 thì từ từ thở ra).
Phụ nữ không vận động ngay sau khi sinh sẽ làm ứ trệ máu – nên nhớ, càng vận động sớm thì cơ thể càng sớm hồi phục.
Thể dục là cách tốt nhất để lấy lại vóc dáng sau khi sinh. Các hình thức thể dục phù hợp là đi bộ, lắc vòng, nhảy dây, bơi (sau khi đã hết sản dịch).
Chống táo bón
Trong thời kỳ cho con bú, người mẹ cần ăn uống đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đặc biệt là rau quả, trái cây tươi, chất đạm, chất béo (dầu thực vật). Sữa pha nóng là một trong những thức uống rất tốt cho bà mẹ nuôi con bú. Chỉ nên kiêng các gia vị cay, nóng như ớt, tiêu, tỏi và hạn chế các đồ uống có chất kích thích như trà, cà phê. Ăn các rau trái giúp nhuận tràng như thanh long, chuối, rau đay, mồng tơi, các loại canh khoai mỡ, khoai từ.
Nên uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể, kích thích sự tiết sữa và chống táo bón. Các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, sữa chua cũng góp phần làm sản dịch mau sạch.
Tránh thai trong thời kỳ cho con bú
Chỉ sau 1-1,5 tháng trứng sẽ rụng trở lại, nếu không có biện pháp ngừa thai thì sẽ bị vỡ kế hoạch. Phụ nữ cho con bú đúng 8 lần/ngày thì chu kỳ kinh có thể sẽ lùi lại 3-6 tháng.
Biện pháp tránh thai sau khi sinh thuận tiện nhất là dùng bao cao su. Bao cao su có chất bôi trơn, giúp quan hệ dễ dàng hơn, đồng thời ngăn không cho tinh trùng vào âm đạo, sẽ làm hạn chế sự viêm nhiễm âm đạo. Cách khác cũng được nhiều phụ nữ áp dụng là dùng thuốc viên tránh thai dành riêng cho phụ nữ sau khi sinh. Thuốc không ảnh hưởng tới chất lượng, mùi vị sữa cũng như sức khỏe của mẹ và con.