Một bộ phận quan trọng của thai là bánh nhau, nó có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển của thai nhi. Bánh nhau có chức năng che chở bào thai và ngăn cản sự xâm lấn của vi khuẩn. Thực tế thì không phải lúc nào bánh nhau cũng phát triển một cách bình thường mà nó cũng có thể bị… bệnh.
Ở thai đủ ngày tháng, bánh nhau cân nặng khoảng 500g (tương đương 1/6 trọng lượng thai), đường kính khoảng 20cm, bề dầy 2 – 3cm và mỏng dần ở bờ. Sau đây là một số bệnh lý thường gặp của bánh nhau.
Bánh nhau bất thường: Khi bị bất thường thì nhau không bám ở vùng đáy tử cung mà một phần hoặc toàn thể bánh nhau bám ở vùng đoạn dưới tử cung, gọi là nhau tiền đạo. Nguyên nhân nhau bám ở vị trí bất thường chưa được biết chính xác cho từng trường hợp nhưng người ta cho rằng, khi sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc tử cung ở vùng đáy tử cung bị giảm sút, nhau sẽ tìm chỗ giàu dinh dưỡng hơn hoặc sẽ trải rộng diện tích bám xuống phía dưới về phía cổ tử cung.
Do đó, nhau bám vị trí bất thường thường gặp ở những sản phụ lớn tuổi, sinh nhiều lần, có tiền căn nạo sẩy thai hay viêm nhiễm tử cung, hoặc do trứng thụ tinh vào tử cung làm tổ ở thấp…
Thai phụ thường hay bị xuất huyết bất thường trong những tháng cuối thai kỳ và thai nhi dễ bị kém dinh dưỡng, sinh non, nhẹ ký. Về trị liệu, chủ yếu là cầm máu, trì hoãn cho thai lớn thêm và mổ lấy thai, khi chảy máu quá nhiều, có thể phải chấp nhận bỏ thai để cứu mẹ hoặc phải cắt tử cung cầm máu khi mổ lấy thai.
Bất thường về mức độ bám: Nhau có thể bám vào tử cung quá chặt, khó bong ra sau sinh, có khi ăn thủng thành tử cung và ăn lan ra thành bàng quang hay trực tràng. Bệnh lý này thường gặp trên các tử cung có vết sẹo (mổ sinh nhiều lần, mổ bóc nhân xơ, nạo phá thai nhiều lần) hay trong các trường hợp nhau tiền đạo. Siêu âm có thể chẩn đoán nhau cài răng lược trước khi chuyển dạ để có sự chuẩn bị thích hợp cho thai phụ, tránh mất máu nhiều khi sinh em bé.
Phù nhau thai: Bánh nhau dày trên 4cm thường là do bệnh lý nhiễm trùng, bệnh về miễn dịch, bất thường di truyền… Khi nhau thai bị phù, chức năng trao đổi chất của nó sút giảm và thai cũng có thể bị phù, đưa đến thai chết lưu hay sinh non. Người bệnh gặp phải trường hợp này đa số phải chấm dứt sớm thai kỳ vì thai thường chết trong tử cung.
Nhau bong non: Bình thường, sau sổ thai, bánh nhau sẽ bong ra. Vì một lý do nào đó (chấn thương, vỡ ối đột ngột trong đa ối, bệnh lý của mẹ…), bánh nhau bong ra khi thai chưa được sổ ra ngoài, gọi là nhau bong non. Triệu chứng điển hình là thai phụ có cơn đau vùng bụng dưới xuất hiện đột ngột, liên tục và kéo dài, có thể bị ra máu âm đạo. Trong đa số trường hợp, nếu không xử trí kịp thời, thai sẽ chết. Việc điều trị thường đòi hỏi phẫu thuật cấp cứu để cứu mẹ và thai.