Ở phụ nữ mang thai, các hormone sẽ tăng cường hoạt động, không chỉ có tử cung thay đổi để thai nhi phát triển mà bộ ngực cũng “rục rịch” sẵn sàng cho nhiệm vụ nuôi con bằng sữa mẹ.
Trong giai đoạn mang thai, ngực người phụ nữ có thể trở nên rất đau, căng và cảm thấy có nhiều cục u nổi lên. Nhiều phụ nữ trẻ sắp làm mẹ rất dễ nghĩ rằng mình bị ung thư vú mất rồi!
Nhưng bạn đừng quá hoảng sợ. Hầu hết những thay đổi trong suốt thai kỳ đều liên quan tới việc mang thai có thể kiểm soát và không đáng lo ngại.
Tuy nói như vậy, nhưng bạn cũng đừng bao giờ vô tư bỏ qua bất kỳ thay đổi nào nhận thấy ở ngực mình. Hãy thực hiện kiểm tra ngực lâm sàng vì đã có các trường hợp rất hi hữu khi một người phụ nữ phát hiện mình mắc ung thư vú trong giai đoạn mang thai nhờ kiểm tra ngực. Thật sự, tình huống này rất nghiệt ngã vì người mẹ chỉ vừa mới hân hoan trước một trong những sự kiện hạnh phúc nhất đời đã phải lo sợ liệu mình có còn được nhìn thấy và nuôi nấng con hay không.
Kiểm tra ngực có an toàn trong suốt quá trình mang thai?
Thông thường, siêu âm là cách thức được sử dụng trước tiên để phản ánh bộ ngực. Nếu kết quả siêu âm không đem lại một chẩn đoán rõ ràng, thì thường tiếp đến thai phụ sẽ được tiến hành chụp X-quang, với một tấm chắn bằng chì che khu vực bụng để bảo vệ em bé. Bạn cũng có thể làm sinh thiết các khối u ở ngực để xác định là lành tính hay ác tính.
Điều gì xảy đến nếu kết quả xấu?
Các khối u nhỏ có thể được phẫu thuật cắt bỏ khá an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên nếu cần đến các phương pháp điều trị khác như hóa trị và xạ trị, chúng cần phải được trì hoãn lại cho đến sau khi em bé chào đời.
Ngày nay phụ nữ bị chẩn đoán bệnh trong khi mang thai nhiều hơn ngày xưa, là do phụ nữ ngày nay đợi đến lúc lớn tuổi mới lập gia đình – một nhân tố gây ra nguy cơ ung thư vú chính là mang thai lần đầu sau 30 tuổi, điều khá phổ biến ngày nay. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh của phụ nữ càng cao.
Tuy vậy con số thai phụ mắc phải bệnh hiểm nghèo này chỉ là rất nhỏ, bạn đừng quá lo lắng để ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Hãy luôn lạc quan, sinh hoạt điều độ, tẩm bổ cho cơ thể và đừng quên những buổi thăm khám định kỳ để chờ ngày “khai hoa nở nhụy” thật mỹ mãn nhé!