Hỏi: Chào bác sĩ! Em có con gái năm nay 2 tuổi, cao 90cm, nặng 11kg. Tuần vừa rồi bé bị đi ngoài phân sống và hôi, em có cho bé đi khám ở BV Nhi Đồng (đã 3 lần), tình trạng đi ngoài có giảm (phân vẫn còn hôi), kèm theo bé biếng ăn cực kỳ và hay bị ói ra (có lúc uống sữa là ói liền) và nướu bé đang bị sưng (có vẻ như có đẹn).Lúc 6 tháng bé nhập bệnh viện ở BV Nhi Đồng (bởi bệnh viêm tiểu phế quản) và tiêm, uống kháng sinh rất nhiều, cho đến bây giờ bé hay uống kháng sinh. Bé cũng bị bệnh hen. Từ 6 tháng tuổi tới bây giờ bé dùng rất nhiều men tiêu hóa.Tiền sử: Bé sinh non, lúc sinh được 2.5kg. 6 tháng tuổi bị bệnh viêm tiểu phế quản, rồi viêm họng, rối loạn tiêu hóa. 14 tháng tuổi bác sĩ chẩn đoán bé bị hen.Xin bác sĩ chỉ cách làm thế nào để bé được ăn uống bình thường như bao đứa trẻ khác, làm thế nào để bệnh rối loạn tiêu hóa của bé hết đi?Mong được hồi âm của bác sĩ. Cảm ơn nhiều!
Trả lời: Trước tiên em cần phân biệt hai loại men sau :
– Men tiêu hóa là loại men có tác dụng cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu, men tiêu hóa có chứa các loại enzyme kích thích tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
– Men vi sinh, còn gọi là probiotic, là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp cân bằng giữa vi khuẩn có hại và lợi tại đường ruột, tránh loạn khuẩn đường ruột và hạn chế nhiễm trùng đường ruột.
Không rõ em có nhầm lẫn giữa hai men này không (“từ 6 tháng tuổi tới bây giờ bé dùng rất nhiều men tiêu hóa”). Men tiêu hóa có tác dụng kích thích tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon miệng nên các bậc cha mẹ thường lạm dụng mà không biết nếu dùng men này kéo dài sẽ làm ức chế các cơ quan bài tiết dịch tiêu hóa trong cơ thể, nhất là tuyến tụy có thể dẫn đến suy tụy.
Ngoài ra, còn có tác dụng phụ khác như tiêu chảy cấp, kém ăn, mệt mỏi… vì vậy, men tiêu hoá được khuyên dùng không quá 10 ngày.
Bé gái 2 tuổi có cân nặng 11kg là yếu so với cân nặng trung bình là 11,5kg, nhưng có chiều cao phát triển tốt. Chế độ ăn cho bé 2 tuổi: mỗi ngày cần 3 – 4 cữ chính với 4 nhóm thức ăn (tinh bột, đạm, chất béo, rau xanh và vitamine), nhưng đối với bé của em cần tăng thêm lượng dầu ăn (do bé thiếu cân), các cữ chính có thể thay đổi (cơm, cháo, phở, nui, bánh canh…), các cữ phụ em xen kẽ sữa (500ml/ngày), sữa chua, phô mai, váng sữa, trái cây tươi có thể sắt nhỏ hoặc ép lấy nước.
Để bé không bị rối loạn tiêu hoá em cần chú ý khâu chế biến thức ăn cho bé phải sạch sẽ, thức ăn tươi ngon, không lạm dụng men tiêu hóa và kháng sinh, tăng cường cho bé ăn sữa chua ngày 2 hũ để tạo vi khuẩn đường ruột. Sau cùng, em có thể bổ sung thêm thuốc kẽm để tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh đường tiêu hoá và hô hấp.
Chúc bé ăn ngon, lên cân tốt!