Chị chợt nhận ra, những gì chị muốn tốt nhất cho con mình lại vô tình biến con trở thành một đứa trẻ ích kỉ, keo kiệt, sống xa rời các bạn và mang tiếng là hay nói dối… Dạo này cũng ít kể chuyện các bạn ở lớp hơn, ít chạy ra đường chơi với các bạn…
Vừa về đến nhà, xuống xe, bé Na đã oang oang kể chuyện với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay ở lớp cô giáo kể chuyện cho chúng con nghe đấy”. Chị Oanh trả lời con một cách hờ hững: “Vậy à. Cô giáo kể chuyện thế nào?”. Na lại tiếp tục thao thao kể mặc cho mẹ đang bận rộn với một mớ đồ ăn vừa mua ở chợ về và đang chuẩn bị chế biến.
Giọng bé Na trong trẻo, véo von: “Cô giáo kể chuyện là có một ông lão đi qua đường, nhưng vì nhiều xe qua lại quá nên ông sợ và cứ đứng ở lề đường. Bạn Tí đang đi học về cùng mẹ, nhìn thấy ông lão, bạn Tí bảo mẹ tới đưa ông lão sang đường. Hai mẹ con Tí dắt ông lão sang đường, Tí vui lắm, vì làm được việc tốt. Cô giáo bảo là chúng con cần phải học tập bạn Tí và cần phải giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ”.
– Ờ, cô giáo nói đúng rồi đó, chị Oanh trả lời con qua loa.
– Cô giáo còn bảo là, phải biết chia sẻ đồ chơi với bạn, không được giữ cho riêng mình. Phải cùng nhau học để bạn nào cũng học giỏi mẹ ạ.
– Đúng rồi!
– Thế sao mẹ vẫn thường bảo con là “cất đồ chơi đi không có các bạn hàng xóm sang chơi là hỏng hết“?
– À, vì mẹ sợ các bạn hàng xóm không giữ gìn đồ chơi của con, chị Oanh chống chế.
– Mẹ còn bảo là phải học giỏi hơn các bạn, không được cho các bạn xem vở không là các bạn học giỏi hơn con còn gì, bé Na lại vặn vẹo.
Chị Oanh chợt giật mình. Đúng là ở nhà chị vẫn “dọa” con kiểu như vậy. Nhà chị vốn rộng rãi, lại gần mặt đường, vợ chồng chị lại dễ tính nên bọn trẻ con trong ngõ thường sang chơi với con chị. Bé Na vốn hòa đồng nên cứ thấy các bạn sang chơi là mang hết đồ chơi ra cho các bạn chơi. Nhưng các bạn của Na thường không biết giữ nên đồ chơi nào cũng hỏng, mà có phải đồ chơi rẻ tiền đâu, toàn đồ chơi “xịn”, đắt tiền.
Chị Oanh xót ruột, mới đầu còn nhắc nhở, nhưng rồi đồ chơi vẫn hỏng, thế là chị Oanh cất hết đồ chơi đẹp và mới đi. Cứ mỗi lần bọn trẻ con đến chơi là chị chỉ cho chơi đồ chơi cũ, bọn chúng có thắc mắc là thế nào chị cũng bảo: “Các cháu phá hết đồ chơi của bạn Na rồi còn đâu, có đồ chơi này mà chơi là tốt lắm rồi”. Không ít lần bé Na phụng phịu: “Con trót khoe các bạn là có con búp bê mới rồi, mẹ cho con mang ra cho các bạn chơi đi”, nhưng chị Oanh nhất quyết không đồng ý, làm bé Na đành chịu “mang tiếng” với các bạn. Dần dần, bạn bè của Na ít sang nhà chị Oanh chơi hơn, chúng bảo, Na “ki bo” vì có đồ chơi mà không cho bạn mượn.
Thấy bạn ít sang chơi hơn, chị Oanh lại thấy mừng, vì chị muốn bé Na tập trung hơn vào việc học. Dù mới 5 tuổi, nhưng chị đã bắt Na học hết các chữ cái, học viết, học đánh vần, học tính… nói chung là học như một học sinh lớp 1. Chị muốn bé Na khi đi học sẽ thành thục tất cả và sẽ học giỏi nhất lớp, để Na không còn bỡ ngỡ.
Nhưng chị Oanh lại mắc phải sai lầm, đó là không cho con chia sẻ việc học chữ, học số của mình với bạn. Chị Oanh luôn miệng dặn con là không được cho bạn xem vở, không nhắc bài cho bạn, vì làm thế các bạn sẽ học giỏi hơn Na. Không ít lần cô giáo nhắc nhở Na nên cùng học với các bạn, nếu bạn không biết thì Na nên hướng dẫn bạn để các bạn cùng biết nhưng Na nhất quyết không chịu và bảo: “Mẹ con không cho con nói bài với các bạn…”.
Hôm nay nghe con gái kể lại chuyện cô giáo kể ở lớp và nghe những thắc mắc của con, chị Oanh mới giật mình. Chị chợt nhận ra, những gì chị muốn tốt nhất cho con mình lại vô tình biến con trở thành một đứa trẻ ích kỉ, keo kiệt, sống xa rời các bạn và mang tiếng là hay nói dối… Dạo này cũng ít kể chuyện các bạn ở lớp hơn, ít chạy ra đường chơi với các bạn… Chị Oanh kéo con vào lòng, thủ thỉ: “Cô giáo nói đúng đấy con ạ. Mẹ sai rồi. Từ giờ con hãy cho các bạn cùng chơi đồ chơi nhé, bạn nào không biết chữ nào thì con nói cho bạn biết nhé, như thế thì tất cả mới cùng ngoan và cùng giỏi, phải không nào?”.
Bé Na cười tít mắt và vội vàng xin phép mẹ sang nhà bạn Beo để xem cái ô tô mới mà Beo được tặng hôm sinh nhật vừa rồi.