Bắt đầu từ hôm nay, ngày 01/02/2012, sau nhiều lần trì hoãn, có tính toán kỹ lưỡng của các ban ngành, Hà Nội đã chính thức thực hiện kế hoạch đổi giờ làm, giờ học. Sự thay đổi này đã mang đến nhiều đảo lộn trong sinh hoạt của nhiều đối tượng khác nhau.
Vừa dạy xong tiết sử sáng nay, cô giáo Kim Dung (trường chuyên Amsterdam, Hà Nội) vội gọi điện về cho con gái lớp 4 buộc phải nghỉ học ở nhà một mình, chỉ vì bố mẹ không thể đưa đến lớp.
Chồng cô Dung, thầy Nguyễn Vũ Thanh Liêm, dạy Văn cùng trường với vợ, cho biết, nhà thầy ở phố Bà Triệu, trong khi con học tại trường Tiểu học Nam Thành Công. Trước đây, khi giờ học cấp 2 và 3 cùng bắt đầu lúc 7 rưỡi thì hai vợ chồng thầy chở con đến trường rồi cùng đi dạy. Nhưng nay, con vào học lúc 8h, trong khi bố mẹ 7h đã phải lên lớp nên chẳng thể khớp lịch.
“Tính hết nước hết cái mà không biết xoay sở ra sao, cuối cùng 6h rưỡi sáng nay hai vợ chồng đành đi dạy, khóa cửa cho con ở nhà, nghỉ học. Mình đang tính xin ban giám hiệu đổi lịch dạy cho hai vợ chồng, làm sao để ngày nào cũng có người dạy tiết thứ 2, mới kịp đưa con đi học, nếu không, chắc phải thay phiên nhau nghỉ, hết con tới bố, mẹ”, thầy Liêm nói.
Sáng nay, lớp 12 chuyên Văn của thầy Liêm có tới 12 học sinh đến muộn, chiếm gần 1/3 sĩ số lớp. “Mình là giáo viên chủ nhiệm, dù sao các em vẫn ‘sợ’ hơn mà còn muộn nhiều như vậy, không biết nếu tiết đầu là môn khác thì sao. Nhưng hôm nay, cũng phải châm chước cho học trò, nhiều em ở xa, tận Gia Lâm, Thanh Trì, có khi phải đi học từ 5h30 – 6h sáng mà vẫn không kịp”, thầy bày tỏ.
Hôm nay là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học giờ làm đối với các cơ quan, tổ chức, trường học… Theo đó, từ 7h sáng, học sinh cấp 3 đã bắt đầu tiết 1, nhưng thực tế, tới 7h15, nhiều học sinh trường Amsterdam mới mắt nhắm mắt mở chạy ào vào cổng.
“Nhà em tận gần cầu Chương Dương, em phải dậy từ hơn 5h, gần 6h là lên xe bus rồi nhưng vẫn muộn”, vừa chạy lên lớp, Chi (học sinh 11 chuyên Sử) vừa nói. Sau tiết 1, cô bé vẫn ngáp ngắn ngáp dài kể, cả tiết học em buồn ngủ vì tối qua phải thức tới gần 1h sáng làm bài tập ở lớp và bài học thêm.
Tình trạng bố mẹ vội vàng phóng xe vào cổng, con vừa chạy vào lớp vừa tranh thủ hút tạm hộp sữa dễ dàng bắt gặp ở cổng Đại học Sư Phạm 1.
Không giấu nổi vẻ mệt mỏi, chị Minh Hà, giáo viên trường phổ thông cơ sở Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con trai chị đang học tại Trường phổ thông chuyên – Đại học sư phạm và theo lịch của sinh viên, cháu bắt đầu giờ học lúc 6h30. Nhà chị ở Hà Đông, trước đây, chị thường chở con tới trường rồi đi dạy luôn. Nhưng nay giờ học của con sớm, trong khi mẹ 8h mới lên lớp nên cả nhà đảo lộn hết mọi sinh hoạt.
“Giờ tôi đành vào trường đợi cả tiếng nữa mới có tiết dạy, trong khi bé nhỏ mới 3 tuổi ở nhà thì không chăm được, phải giao phó cho chồng mà trong lòng thấp thỏm”, chị Hà thổ lộ.
Theo quy định mới, giờ vào học của học sinh tiểu học và trung học cơ sở từ nay sẽ là 8h, thay vì 7 rưỡi như trước đây và các cô sẽ đón trẻ từ 7h30. Nhưng sáng nay, từ lúc 7h, sân trường Tiểu học dịch vọng A đã lác đác phụ huynh đưa con tới.
Anh Phạm Đình Tiến (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, vì cơ quan anh ở mạn Ngã Tư Sở nên không thể đợi tới 7 rưỡi mới đưa cậu con trai lớp 4 đi học được, vì như thế bố sẽ không kịp làm, dù viện nghiên cứu nơi anh làm việc cũng điều chỉnh giờ làm từ 7 rưỡi lên 8h từ hôm nay.
Tại cổng trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Ngọc Lâm, Hà Nội) sáng nay, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng sau khi trống trường đã điểm, vẫn lác đác có những nhóm học sinh chạy vội vào.
Bên cạnh đó, có những em hình như quên mất sáng nay đổi giờ học nên vẫn lững thững đi bộ từ đằng xa, chỉ đến khi nghe “Nhanh chân lên các con, vào học từ bao giờ rồi” mới cuống cuồng vắt chân lên cổ để chạy. Theo ghi nhận, trong buổi sáng đầu tiên, cả trường có khoảng 27 học sính đi muộn.
Việc đổi giờ học lên sớm, cũng làm thay đổi nếp sinh hoạt của một số gia đình. Dù con đã vào lớp học nhưng chị Hằng, một phụ huynh học sinh của trường, vẫn dựng xe máy đứng đợi ở ngoài cổng trường để căn chính xác đúng mấy giờ trường đánh trống để mai còn biết đường đưa con đi học.
Nhà chị hiện có 2 cháu đi học, một tại trường Nguyễn Gia Thiều, cô con gái nhỏ hơn thì học lớp 6. Trước đây thì cùng một lúc, chị đưa 2 con đi học, nhưng sáng nay giờ học của cả hai cách nhau đến một tiếng, nên chị phải chở thành hai lượt.
“Giờ mình phải căng giờ từng phút một, không thì lại muộn học của các con. Mà may mình làm ngoài, nên thời gian còn tự do nhưng ngày đầu chưa quen nên cũng đã thấy vắt chân lên cổ. Mà tối qua sợ muộn giờ học của con nên mình có ngủ được đâu, cháu lớn cũng trằn trọc mãi”, chị Hằng nói.
Cô Phạm Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Ngọc Lâm, Hà Nội) cho biết, từ sáng thứ 2, trong buổi chào cờ trường đã thông báo cho các em về việc đổi giờ học. Tiết chào cờ vào buổi chiều thứ 2 cũng được đổi từ tiết 5 lên tiết 1. Tất cả các hành lang, lớp học đều thắp thêm bóng đèn, cổng trường cũng thế, để cung cấp đủ ánh sáng.
Theo cô, việc đổi giờ học này thực sự là một thay đổi quá lớn, đặc biệt là với những em học buổi chiều, trước 5h đã tan học còn nay đến 7h tối, như thế là quá muộn. Nó ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của trẻ, mà khối học buổi chiều lại là lớp 10.
“Chúng tôi cũng lo các em học chiều muộn sẽ đói nhưng trường không có cở vật chất, không có bếp ăn, căng tin. Chưa kể nếu dành thời gian để ăn thì sẽ phải kéo giờ học thêm ra. Bên cạnh đó, có những học sinh ở xa cách trường 10-12 km, phải đi xe bus, về muộn quá, đường tối, ít người qua lại”, cô Hương nói.