Chứng khó tiêu thường là biểu hiện của nhiều bệnh, bao gồm cả các bệnh lành tính và ác tính. Chính vì lý do đó mà bạn cần phát hiện bệnh sớm nhất để có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Những “thủ phạm” gây ra chứng khó tiêu
Khó tiêu do nhiều bệnh và rối loạn gây ra, sau đây xin đề cập tới các trường hợp thường gặp. Một là, trào ngược axit dạ dày thực quản do bệnh xơ cứng bì và mang thai. Hai là, hoạt động cơ học của dạ dày bị rối loạn. Nếu bạn bị giãn đáy dạ dày có thể thấy các triệu chứng khó tiêu như bụng trướng hơi, đầy bụng, buồn nôn… Ba là, rối loạn chức năng cảm giác của dạ dày có thể dẫn đến khó tiêu chức năng. Bốn là, các yếu tố như vi khuẩn Helicobacter pylori (gây loét dạ dày), một số thuốc uống chữa bệnh như: thuốc giảm đau, nitrat, thuốc chữa tăng huyết áp loại ức chế kênh canxi, theophylin và progesteron cũng gây khó tiêu và trào ngược axit dạ dày; ngoài ra rượu, cà phê, thuốc lá, stress… cũng là thủ phạm gây khó tiêu.
Các dấu hiệu của chứng khó tiêu
Một nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy: 40% người dân ợ nóng 1 lần/1 tháng và 7% ợ nóng hằng ngày. Gần 25% dân số thấy khó chịu vùng bụng ít nhất là 6 lần một năm nhưng chỉ 10-20% đi khám bác sĩ. Khó tiêu chức năng là nguyên nhân gây ra triệu chứng ở 60% bệnh nhân ăn không tiêu.
Nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản gây khó tiêu sẽ thấy các biểu hiện: ợ nóng, cảm giác nóng dưới xương ức, bắt đầu từ thượng vị lan lên cổ, kèm theo ợ dịch axit lên miệng vừa chua vừa nóng. Dịch trào lên sẽ gây viêm hầu, họng, viêm phế quản, khàn tiếng và đau giống đau thắt ngực; có thể thấy đau bụng vùng dạ dày.
Trường hợp bạn bị khó tiêu kiểu loét thì thấy hay ợ nóng, đau rát ở thượng vị, triệu chứng này bớt khi ăn hay dùng thuốc ức chế axit. Còn đối với những người khó tiêu kiểu rối loạn cơ học, họ sẽ thấy luôn có cảm giác đầy bụng, đau bụng, đau tăng lên khi ăn, kèm theo buồn nôn, bụng trướng, ợ hơi và mau no.
Bạn cần chú ý rằng để phân biệt khó tiêu do rối loạn chức năng hay tổn thương do bệnh phải dựa vào đặc điểm trong bệnh sử và kết quả khám bệnh. Chẳng hạn nuốt đau gợi ý do nhiễm khuẩn thực quản, còn khó nuốt có thể do tắc nghẽn thực quản. Các triệu chứng đáng chú ý khác là sụt cân, nôn nhiều gây mất nước rõ, xuất huyết tiêu hoá, khám thấy khối u…
Chứng khó tiêu cần phân biệt với một số bệnh: một là, loét dạ dày thực quản, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có 5% bệnh nhân bị loét thực quản hoặc chít hẹp thực quản. Hai là, khối u ác tính, có dưới 2% trường hợp ăn khó tiêu do khối u ác tính của dạ dày, thực quản. Những người hút thuốc hay uống rượu hay gặp bị ung thư thực quản. Ba là, các nguyên nhân khác: người đã phẫu thuật do loét dạ dày; người bị nhiễm nấm ở thực quản có thể gây ợ nóng hay khó chịu ở ngực và gây nuốt đau; đau quặn túi mật bị ợ nóng mạn tính biểu hiện của khó tiêu; người có chứng không dung nạp lactose do thiếu men lactase cũng sinh ra trướng hơi, khó chịu và tiêu chảy; các bệnh tuyến tụy, carcinom tế bào gan, tiêu chảy mạn tính, thiếu máu mạc treo ruột, bệnh tuyến giáp và tuyến cận giáp, suy tim ứ huyết và lao… đều gây khó tiêu.
Việc cần làm để cải thiện chứng khó tiêu
Tùy theo mức độ khó tiêu mà người bệnh cần có cách xử trí thích hợp. Nếu bạn chỉ bị khó tiêu nhẹ thì không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần tự trấn an tinh thần rằng bệnh của bạn không nặng, có thể cải thiện được nếu bạn ăn uống điều độ.
Bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn không có các loại thức ăn sinh hơi như: dưa muối, khoai lang, khoai tây… Đồng thời phải dùng thuốc hấp thu hơi, than hoạt để giảm trướng hơi và đầy bụng. Người đang dùng các loại thuốc có tác dụng phụ gây kích ứng niêm mạc dạ dày như thuốc giảm đau chống viêm diclofenac, aspirin…phải ngừng thuốc ngay. Cần hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu, cà phê, thuốc lá vì các chất này tác dụng lên cơ vòng thực quản dưới gây trào ngược. Bạn cũng cần thực hiện chế độ ăn ít mỡ, tránh ăn trước khi đi ngủ và nên nằm gối cao đầu.
Trường hợp bị khó tiêu nhẹ và vừa cần dùng thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh. Thuốc ức chế hay trung hoà axit điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc kháng histamin như cimetidin, rannitidin, famotidin…có tác dụng tốt. Nếu bệnh nặng như viêm trợt hay viêm loét thực quản, cần dùng thuốc ức chế tiết axit dịch vị dạ dày như omeprazol hay lanzoprazol… Dùng kháng sinh clarythromycin kết hợp với amoxilin để diệt vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày. Nếu bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng phẫu thuật để giải quyết. Phẫu thuật điều trị đau quặn túi mật, các khối u lành tính hoặc ác tính gây bệnh…
Đối với bệnh nhân thiếu men lactase và tiêu chảy mạn tính từng đợt, loét dạ dày thì phải dùng các loại thuốc điều trị chuyên biệt.