Thói quen ăn uống của bé cần được cha mẹ uốn nắn thường xuyên bởi ít khi tự nó phát triển được theo khuynh hướng lành mạnh.
Có một số bé luôn miệng than đói và ăn vặt liên tục nhưng đến bữa lại không ăn được. Khi đó, bạn nên kiểm tra xem liệu bé có ăn hay uống đồ ngọt giữa các bữa không. Ăn vặt đồ ngọt quá nhiều gây giảm cảm giác thèm ăn, cũng như kìm hãm phát triển và ảnh hưởng tới hành vi của bé. Không những thế, dùng đồ ngọt quá nhiều còn gây thiếu dinh dưỡng do nó chỉ cung cấp năng lượng nhưng lại ít dinh dưỡng.
Nước ngọt không phải đồ uống dinh dưỡng
Một lon cola 400g chỉ có khoảng 160kalo – hầu như không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ chứa axit, màu thực phẩm và caffein. Thay vào đó, một chiếc bánh xốp (muffin) ít đường có lượng kalo tương đương nhưng thêm 6g protein, 4g chất xơ và khoảng 170g canxi cùng 2g sắt có lợi hơn nhiều cho bé khi dùng làm món ăn vặt để thay thế nước ngọt.
Sâu răng – dấu hiệu cảnh báo bé ăn quá nhiều đồ ngọt
Một trong những dấu hiệu bé đã ăn quá nhiều đồ ngọt là sâu răng sữa. Đồ ngọt tàn phá men răng, kích thích vi khuẩn tạo mảng bám trên răng, gây sâu răng chỉ trong vòng 20-30 phút ăn uống đồ ngọt. Nước quả chứa đường, đồ ăn dính có lượng đường cao như kẹo mút, kẹo dẻo, hoa quả sấy khô cũng khiến răng bé nhanh hỏng.
Do đó, hạn chế đồ ăn ngọt và đồ uống có đường là giúp bé khởi đầu có sức khỏe răng miệng tốt. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho bé đi khám răng theo định kỳ, khoảng 6 tháng một lần để phát hiện và sửa chữa kịp thời những hư tổn trên răng.
Ăn nhiều đồ ngọt khiến bé tiêu chảy, mệt mỏi, mắc bệnh ngoài da
Ăn nhiều đồ ngọt khiến bé gặp rắc rối với hệ tiêu hóa. Bởi vì đồ ngọt làm “lỏng” hệ đường ruột, làm thay đổi lượng axit có trong đường ruột, đồng nghĩa với việc đường ruột dễ bị nhiễm khuẩn, gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.
Nên cắt giảm đồ ăn ngọt khi bé tiêu chảy và có thể cho bé ăn sữa chua không đường để hồi phục đường ruột.
Nhiều đồ ngọt làm bé mệt mỏi: Thực phẩm nhiều đường thuộc nhóm có GI cao (glycemic index – đo ảnh hưởng của carbohydrat tới lượng đường trong máu của nhiều loại thực phẩm, với chỉ số từ 1 tới 100), làm tăng nhanh lượng đường trong máu nhưng do tăng đột ngột nên cơ thể chưa thích ứng kịp, gây mệt mỏi ở bé. Để bé năng động, khỏe mạnh, nên chọn nhóm thực phẩm có lượng GI thấp như cháo, mỳ Ý, khoai lang, khoai tây, quả táo…
Nhiều đồ ngọt làm tăng chứng chàm, nấm và bệnh ngoài da ở bé: Da dễ nhiễm khuẩn, khô, tróc vảy ở bé có thể do thiếu vitamin và chất khoáng vì ăn nhiều đồ ngọt. Làn da có thể phản ánh bé đang bị thiếu chất để cha mẹ kịp thời điều chỉnh chuyện ăn uống cho con. Nên hạn chế đồ ăn vặt ngọt và thay thế bằng những món bổ dưỡng. Chẳng hạn thêm đồ ăn giàu omega 3, 6 và 9 vào thực đơn của bé như các loại cá.
1-2 tuổi là giai đoạn lười ăn tự nhiên
Sau một tuổi, cảm giác thèm ăn của nhiều bé giảm sút do tốc độ phát triển ở bé chậm hơn so với trước đó. Điều này giải thích vì sao nhiều phụ huynh cực kỳ căng thẳng vì con mình chỉ sống bằng “nước và không khí”.
Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận ra có những lúc bé cực kỳ lười ăn nhưng vẫn phát triển tốt. Ăn ít nhưng vẫn đủ vitamin và chất khoáng thì vẫn hiệu quả hơn một cái bụng căng tròn.
Ăn sáng đều đặn, đúng giờ để tinh thần bé “khỏe mạnh”
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bữa sáng có ảnh hưởng tới tâm trạng của bé, giúp bé nhận thức tốt (những bé bỏ bữa sáng sẽ khó tập trung ở lớp học). Có thể cho bé uống một chút nước lọc trước bữa sáng (không phải nước quả, chỉ là nước lọc nhưng ít thôi) vì cách này giúp bé thấy bữa sáng ngon miệng hơn.
Tránh ăn vặt nghèo dinh dưỡng thay cho bữa chính
Cho dù một số nghiên cứu khẳng định không có mối liên quan giữa tiêu thụ nhiều đường và chứng tăng động giảm chú ý thì những đồ ăn vặt nghèo dinh dưỡng thay thế bữa chính sẽ ảnh hưởng tới chức năng của não (do thiếu vitamin và chất khoáng).
Những bé thiếu magiê, kẽm, axit béo, vitamin nhóm B dường như có xu hướng phát triển một số dấu hiệu của tăng động giảm chú ý. Không những thế, thiếu magiê còn khiến cơ bắp co rút và gây đau cơ cho bé (do magiê có tác dụng thư giãn các cơ).