Từ trước đến nay, khi nói đến khoa lý số, phương thuật dự trắc cổ đại, thông thường người ta chỉ hay nhắc tới tử vi, kỳ môn độn giáp, bát tự, tử bình, thái ất thần số,… Nhưng, thực ra còn có một bộ môn cũng hết sức quan trọng, nó nằm trong hệ thống lý luận cơ bản của Đông y, đó chính là Ngũ vận lục khí, hay được gọi tắt là vận khí học. Vận khí học được giới học thuật xưa và nay công nhận là phương pháp có độ chính xác khá cao và có giá trị thực tiễn nhất định.
Hiện tượng “phản tổ”
Con người – tiểu vũ trụ và thiên nhiên – đại vũ trụ hợp thành một chỉnh thể hữu cơ, thống nhất. Người xưa gọi đó là “thiên nhân hợp nhất”. Đông y quan niệm, hoạt động sinh mệnh là một dạng hoạt động khí hóa; khí hóa nghĩa là hoạt động, vận động và biến hóa. Cơ thể con người là một hệ thống mở, mọi vận động của ngũ vận và biến hóa của lục khí, đều có tác động đến các quá trình khí hóa trong cơ thể người.
Ngay từ khi thai nhi hình thành, quá trình khí hóa trong nhân thể – “tiểu vũ trụ” đã thông ứng với quá trình khí hóa của đại vũ trụ. Thế là, do tác động của ngũ vận, lục khí trong đại vũ trụ, mà dần dần hình thành những khác biệt về phương diện thể chất ở từng cá thể.
Tuy suốt cả cuộc đời, quá trình khí hóa trong nhân thể luôn luôn “thông ứng” với môi trường bên ngoài, nhưng thời kỳ mang thai là giai đoạn ảnh hưởng của môi trường có tính quyết định. Chính vì thế, những trẻ sinh ra trong những năm có ngũ vận lục khí không giống nhau, do chịu những tác động và chế ước không giống nhau, mà có những đặc điểm thể chất khác nhau.
Thí dụ, những năm có hỏa vận thái quá như: Mậu Thân, Mậu Ngọ, Mậu Thìn, Mậu Dần… do thai nhi chịu tác động lâu dài của hỏa khí, khi ra đời trẻ thường có thể chất thuộc loại hình “âm hao dương thịnh”. Mặt khác, như sách Nội Kinh viết:
“Tuế hỏa thái quá. Viêm thử lưu hành. Phế kim thụ tà” (hỏa khí quá thịnh, nắng nóng lan tràn, tạng phế tà khí xâm phạm), nên thường bị hen suyễn và các chứng bệnh thuộc đường hô hấp (trong Đông y chủ quản hô hấp). Như vậy, trẻ sinh ra trong những năm khác nhau, do sự tác động của ngũ vận lục khí, thường có những đặc trưng thể chất và dễ mắc các chứng bệnh không giống nhau.
Trong vận khí học, còn có một luận đoán có giá trị khoa học hết sức đặc biệt, như sách Nội Kinh đã viết: “Hữu tương thắng chế dã, đồng giả thịnh chi, dị giả suy chi, thử thiên địa chi đạo, sinh hóa chi thường dã”. Đại ý là: Tác động của vận khí đối với thể chất của thai nhi tuân theo nguyên tắc “tương đồng thịnh, dị biệt suy”; nghĩa là: những tố chất, tập tính… tương đồng (về thuộc tính âm dương, ngũ hành) với vận khí lưu hành trong vũ trụ, thì phát triển mạnh, ngược lại những tố chất khác biệt thì bị suy yếu.
Điều đặc biệt lý thú là nguyên tắc “tương đồng thịnh, dị biệt suy” của vận khí học cổ đại lại trùng hợp với kết luận của di truyền học hiện đại. Những năm gần đây, các nhà khoa học đã sáng lập một lý thuyết mới có tên là thời gian biểu di truyền học. Theo đó, đặc trưng thể chất bẩm sinh ở trẻ nhỏ, không những được di truyền từ tổ tiên, mà còn mang “dấu ấn thời gian”- theo đúng nguyên tắc “tương đồng thịnh, dị biệt suy”. Nói cách khác, những đặc tính của tổ tiên, chỉ có thể truyền lại cho hậu thế, khi có những điều kiện tự nhiên thích ứng. Nói cụ thể hơn: những đặc tính của thế hệ trước chỉ được di truyền cho thế hệ sau trong điều kiện “thời – không” (thời gian và không gian) tương đồng.
Ví dụ, nếu cha (hoặc mẹ) có thể chất thuộc loại “mộc hình”, thì những đặc tính của người cha (hoặc mẹ) chỉ có thể di truyền cho con, nếu như đứa con cũng sinh ra trong năm mộc vận. Trong điều kiện “thời – không” tương phản, thí dụ đứa con sinh ra vào năm kim vận (kim khắc chế mộc), thì đặc tính của người cha (hoặc mẹ) sẽ bị giấu kín (ẩn). Trẻ sinh ra, do chịu sự chế ước của điều kiện “thời – không” sẽ có cả những đặc tính trái ngược với cha (hoặc mẹ). Các nhà di truyền học gọi đó là hiện tượng “phản tổ”.
Dựa vào nguyên tắc “tương đồng thịnh, dị biệt suy”, còn có thể lý giải, vì sao một số đặc tính di truyền có thể bị “giấu kín” (ẩn), không truyền lại ngay cho thế hệ tiếp sau, mà phải tới thế hệ thứ 3 hoặc thứ 5 – khi gặp được điều kiện “thời – không” thích hợp, mới thấy xuất hiện.
Ngũ vận lục khí với “số phận” của trẻ
Trẻ sinh trong những năm có ngũ vận lục khí không giống nhau, thường có những đặc trưng thể chất khác nhau. Vậy thì trẻ sinh năm Nhâm Thìn có những đặc trưng thể chất thế nào? Năm Nhâm Thìn mộc vận thái quá, Đông y gọi đó là “phát sinh chi kỷ”, “phong khí đại thịnh”. Thai nhi trưởng thành trong điều kiện phong khí đại thịnh, trẻ sinh ra thường có thể chất thuộc loại “mộc hình” (có các đặc tính của hành mộc). Hành mộc tượng phong, tính động. Phong động dễ dẫn đến “hao dương tổn âm” nên người sinh năm mộc vận thái quá thường có thân hình thấp, nhỏ, người gầy, da xanh, sắc diện thanh tú.