Theo Phòng CSGT Hà Nội thì sau khi thực hiện đổi giờ làm, giờ học, tuy ùn tắc có giảm nhưng lại phát sinh thêm một số điểm ùn tắc mới. Thường trực Thành ủy Thành phố Hà Nội đã thống nhất điều chỉnh lại giờ tan trường của học sinh trung học.
Tan học vào 19h nhiều bất cập
Phát biểu tại cuộc họp đánh giá sau 5 ngày triển khai đổi giờ học giờ làm chiều qua tại Sở GTVT, thiếu tá Huỳnh Tấn Nam Phòng CSGT-CATP Hà Nội, cho biết, nhìn chung ùn tắc có giảm, đặc biệt là tại các nút giao thông và tuyến đường lớn.
Tuy nhiên theo đại diện Phòng CSGT Hà Nội, qua 5 ngày thực hiện, buổi chiều đã xảy ra tình trạng ùn tắc thường xuyên tại một số điểm gần các trường tiểu học và THCS, đặc biệt là các tuyến đường Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng, Thuỵ Khuê, Phương Mai, Đại La, Quang Trung, Nguyễn Trường Tộ. “Trước đó các khu vực này rất ít ùn tắc, ông Nam nhấn mạnh.
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, do khi thực hiện đổi giờ tất cả các trường tiểu học và THCS đều đồng loạt tan học vào 17h, khiến phụ huynh đồng loạt đến đứng trước cổng trường để đón con.
Về mức độ ảnh hưởng của đổi giờ đối với học sinh, ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng Phòng HSSV Sở GT&ĐT Hà Nội cho biết, học sinh THPT là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Theo ông Nhật, hiện có 80% các trường THPT ở Hà Nội học 2 ca một ngày. “Tan học vào 19h tối, ngoài đi lại khó khăn, các sinh hoạt văn hóa tại trường như chào cờ, đoàn hội và học tập, tụ họp tại gia đình của nhóm học sinh này những ngày qua đã bị bỏ hoặc rất ít diễn ra”, ông Nhật phản ánh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Sở GTVT Hà Nội nói sẽ có tổng hợp chi tiết để báo cáo thành phố và cho rằng, các vướng mắc hiện nay chỉ là rất nhỏ so với nhiệm vụ hạn chế ùn tắc mà thành phố và Chính phủ đã chỉ đạo Sở GTVT thực hiện.
Đổi từ 19h xuống 18h
Cũng trong chiều qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội có cuộc họp với các ngành liên quan nhằm đánh giá việc đổi giờ học, giờ làm sau 5 ngày thực hiện. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, qua quan sát thực tế giao thông đi lại trên các tuyến đường của TP, thấy bước đầu có những cải thiện. Theo ông Khôi qua dư luận nhân dân, việc điều chỉnh còn một số điểm chưa phù hợp.
“Thành phố chỉ đạo đơn vị chiếu sáng phải điều chỉnh kéo dài thêm giờ vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, cụ thể bật 17h30 và tắt vào 6h15 hàng ngày, yêu cầu Sở GD&ĐT tổng hợp những khó khăn, vướng mắc kiến nghị của các trường để có phương án giải quyết, trong đó điều chỉnh kết thúc giờ tan học buổi chiều của học sinh THPT là sau 18h”- ông Khôi chỉ đạo.
Việc đổi giờ ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều đối tượng và chỉ là một trong nhiều biện pháp góp phần giảm ùn tắc.Trong khi đó có nhiều biện pháp mà có vẻ lãnh đạo UBNDTP chỉ đạo chưa quyết liệt”. – Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐNDTP Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng chia sẻ không riêng gì Bộ trưởng GTVT mà bản thân ông cũng nhận được rất nhiều tin nhắn điện thoại của người dân: “Tôi nhận được nhiều tin nhắn, trong đó có cả các tin nhắn của các cháu học sinh cấp 3 kiến nghị nên điều chỉnh lại giờ tan học vì các cháu về quá muộn. Sẽ phải điều chỉnh ngay cho phù hợp bởi giờ tan học buổi chiều của học sinh THPT lúc 19h là quá muộn, còn lại việc điều chỉnh giờ khác vẫn giữ nguyên”.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào việc đổi giờ làm, giờ học. “Đây chỉ là một biệp pháp góp phần giảm ùn tắc giao thông thôi. UBND TP phải thực hiện các biện pháp khác đồng bộ và quyết liệt, lâu dài như quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, đẩy nhanh các công trình giao thông trọng điểm. Đặc biệt giảm chiều cao, mật độ của các công trình cao tầng ở nội đô.
Việc này TP phải thực hiện rất rốt ráo vì chỉ cần một toà nhà 10 tầng mọc lên sẽ có theo hàng trăm phương tiện, con người nên sẽ gây ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Còn việc điều chỉnh giờ tan học buổi chiều của học sinh cấp ba giao cho UBND TP sớm có quyết định điều chỉnh kịp thời”- ông Nghị nói.
Không thu thêm tiền của học sinh
Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng công tác HSSV Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, qua ý kiến ban đầu của các trường THPT, Sở GD&ĐT nhận thấy việc kết thúc giờ học chiều sau 19 giờ là quá muộn. Dạy học vào thời điểm này ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của học sinh và dẫn đến giảm chất lượng học tập của học sinh, sẽ làm các trường phải tăng việc tiêu thụ lượng điện thắp sáng, nguồn nước sạch. Các hoạt động ngoại khóa và giáo dục thể chất, quốc phòng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các trường phải chấp nhận phát sinh nhiều chi phí cho việc làm ngoài giờ của cán bộ, giáo viên và bảo vệ.
Ông Nhật khẳng định, ngành GD&ĐT đã yêu cầu tất cả các trường tuyệt đối không được thu thêm khoản kinh phí nào của học sinh để phục vụ các chi phí phát sinh do đổi giờ.