Từ ngàn xưa, nhiều bậc tiền bối như Khổng Tử, Chu Quang Tiềm… đã bàn rất nhiều đến vai trò quan trọng của việc đọc sách. Và cho đến tận bây giờ, người ta vẫn tiếp tục bàn về câu chuyện cũ mà không cổ ấy: Vì sao lại phải (nên) đọc sách? Đọc sách sẽ mang lại những ích lợi gì? Đọc cái gì? Tại sao cần phải rèn luyện thói quen đọc sách?…
Lợi ích của đọc sách
Sau nhiều tranh luận, các nhà nghiên cứu, các học giả đều thống nhất rằng: Đọc sách mang lại nhiều ích lợi khác nhau cho cuộc sống của con người: Sách cung cấp thông tin, lượng tri thức về mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống từ quá khứ đến hiện tại, những giả tưởng, phán đoán về tương lai, là nhịp cầu nối quá khứ – hiện tại… Sách còn giúp bồi dưỡng đạo đức, nâng cao khiếu thẩm mĩ, hoàn thiện bản than, mở rộng từ ngữ… Bàn về vai trò đọc sách đối với trẻ em không ai phủ nhận vai trò quan trọng của nó đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Quan tâm đến vấn đề này, bố mẹ trẻ nên biết một vài chú ý nho nhỏ.
Những lưu ý về việc cho trẻ đọc sách
Không phải mọi trẻ đều đọc những cuốn sách như nhau. Trẻ phát triển và thay đổi rất nhanh về nhận thức, tâm lí, tình cảm. Mỗi trẻ có sở thích, niềm đam mê khác nhau, do đó ở mỗi độ tuổi khác nhau việc đọc của trẻ không hề giống nhau. Trẻ sơ sinh chưa biết đọc và cũng không nhận thức được những gì có trong sách, thậm chí là tranh ảnh tuy nhiên vẫn nên đọc cho trẻ nghe. Đây là cách giúp trẻ hình thành nên phản xạ có điều kiện và dần làm quen với sách vở. Dạy con từ thuở còn thơ là như thế. Lúc này bố mẹ phải đọc to, rõ ràng từng tiếng. Khoảng một tuổi, trẻ bắt đầu bị hấp dẫn bởi các hình ảnh của cuốn sách, thích thú với các bức tranh ngộ nghĩnh. Trẻ có thể tự cầm được một số vật nhẹ, vì thế bố mẹ nên cho bé chơi với sách như một trò chơi, vật chơi.
Lớn hơn chút nữa, ngôn ngữ và tư duy của trẻ đã phát triển hơn. Trẻ đã bi bô nói, gọi tên các sự vật, đồ vật, đặc biệt trẻ rất hứng thú với thế giới động vật. Do đó, bố mẹ hãy giúp trẻ khám phá xung quanh thông qua xem các hình ảnh. Chỉ vào tranh và hỏi bé: đây là con gì? hoặc đây có phải con gà không nhỉ? Nếu bé nói sai, hãy dựa vào các đặc điểm của con vật đó và chỉ trực tiếp vào tranh để trẻ nhớ. Muốn trẻ nhớ lâu bố mẹ nên dùng phương pháp lặp, nói đi, nhắc lại nhiều lần bé sẽ “nhập tâm” hơn đấy bạn ạ! Lúc này, việc đọc sách giúp trẻ học và mở rộng các từ, các tiếng đơn lẻ. Đến 2 tuổi rưỡi hoặc 3 tuổi, bạn sẽ thấy trẻ có khả năng nhớ các cụm từ trong các câu chuyện mà bạn hay đọc như: “ngày xửa ngày xưa”, “ở một làng nọ”…
Đối với trẻ học mẫu giáo, việc đọc sách đã có nhiều thay đổi. Trẻ đến trường và được cô giáo dạy bảng chữ cái, sau đó tự trẻ ghép các chữ cái thành tiếng. Vì thế trẻ kết hợp học đọc và viết, bài học xen kẽ chữ viết và hình ảnh minh hoạ. Bước vào năm học lớp 1 – năm đầu tiên của cấp tiểu học, trẻ đã tự đọc được các truyện tranh, các bài văn ngắn. Tuy nhiên bố mẹ vẫn nên tiếp tục đọc truyện cho trẻ trước khi ngủ vừa giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ vừa cung cấp cho trẻ nhiều kiến thức bổ ích, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. 8, 9 tuổi trẻ vẫn thích đọc sách, lúc này khả năng tự đọc của trẻ đã tăng lên rõ rệt.
Trẻ đặc biệt thích truyện tranh và các chuyện cổ tích. Ngoài ra trẻ còn thích thời thơ ấu của các thiên tài, các sách viết về vũ trụ, khám phá thiên nhiên, ca dao, câu đố… cha mẹ hãy tận dụng cơ hội này để giúp trẻ có được thói quen đọc sách.
Tuy nhiên, hiện nay văn hoá đọc đang là một vấn đề nằm trong tình trạng cảnh báo. Nó đang bị các phương tiện khác như truyền hình, internet cạnh tranh gay gắt, trẻ em thế kỉ 21 bị hấp dẫn bởi các trò chơi điện tử, các bộ phim hoạt hình. Do vậy, nhiều trẻ không thích đọc sách, càng lớn trẻ càng lười hơn “ngó ngàng” đến sách vở hơn. Thay vì đó trẻ mải mê với phim ảnh và điện tử, tiêu tốn quá nhiều thời gian vào các trò giải trí này.
Đối với vấn đề đọc sách của trẻ cũng cần chú ý trong việc chọn sách phù hợp với tâm lí, lứa tuổi của trẻ. Trên thị trường hiện nay, sách vở tràn lan và đa dạng về chủng loại nhưng không phải mọi sách trẻ đều có thể đọc. Có nhiều sách kích thích bạo lực, đánh nhau và đi ngược giá trị giáo dục trẻ. Thông thường sách có sự phân loại theo giới tính và tính cách. Do vậy, cần thiết có sự định hướng của bố mẹ trước khi cho trẻ chọn đọc một loại sách nào đó. Đồng thời cần dạy cho trẻ biết quý trọng giá trị của sách để trẻ không coi sách như một thứ giải trí rẻ tiền.
Sách mở ra cho trẻ một chân trời mới. Nó cung cấp cho trẻ nhiều kiến thức bổ ích, những khám phá thú vị, những cuộc phiêu lưu kì thú (khi trẻ đọc dế mèn phiêu lưu kí, Đoremon… chẳng hạn. Sách còn giúp trẻ hình thành nên nhân cách, những ứng xử thân thiện, lối sống đạo đức, nhân ái cho trẻ. Các nhà sư phạm và tâm lí học đều đồng ý rằng: đọc sách là một trong những cách học tốt nhất để giúp trẻ phân biệt được việc làm đúng và sai. Hơn thế nữa, nội dung của cuốn sách còn gợi nên một sự hấp dẫn mạnh mẽ và thú vị để củng cố những giá trị mà bạn đang dạy con khi ở nhà. Bố mẹ nên nhận ra điều quan trọng này và dạy trẻ có được thói quen tốt ngay từ bây giờ. Cùng với những cuốn sách hay, thú vị trẻ sẽ trang bị cho mình hành trang sẵn sàng bước vào đời: một trí tuệ thông minh, một tâm hồn giàu yêu thương.