Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ tròn - Con vuông

  • Home
  • Mẹ mang thai
  • Chăm sóc bé
  • Giáo dục trẻ
  • Góc tư vấn
  • Sức Khỏe Phụ Nữ
  • Làm đẹp
  • Tin tức

Cách xử trí trong trường hợp trẻ bị ngã dập đầu

Hộp sọ là vỏ bọc tốt nhất giúp bảo vệ não. Nó được bao phủ bởi lớp da với hệ thống mạch máu chằng chịt. Cần phân biệt chấn thương hộp sọ và chấn thương não. Trong đa số trường hợp, khi ngã bé chỉ bị chấn thương hộp sọ. Nếu da đầu bị rách thì máu có thể chảy rất nhiều. Mạch máu dưới ra bị vỡ cũng có thể gây tụ máu, tạo nên khối u bướu lớn. Cục bướu này sẽ xẹp đi nhanh chóng nếu được chườm lạnh.

Sau khi ngã, ở đầu bé có thể nổi lên cục bướu rất to. Hãy tiến hành chườm lạnh chỗ này trong vòng 20 phút.

Nếu cần, sau khi nghỉ 5 phút có thể chườm thêm 20 phút nữa. Giữ bé ngồi yên để chườm là điều rất khó nhưng bạn nên cố gắng. Đôi lúc, sau khi lành, bướu có thể để lại tổ chức vôi hóa dưới da, to bằng hạt đậu. Chườm lạnh có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng này.

Mối lo ngại lớn nhất sau khi bé ngã chính là tổn thương não, dưới dạng chảy máu hoặc chấn động não do va đập. Khối xuất huyết hoặc tình trạng phù nề sẽ gây chèn ép não, thể hiện ra ngoài bằng một loạt dấu hiệu, gọi là dấu hiệu chấn thương sọ não.

Khi trẻ bị ngã dập đầu, cha mẹ cần chú ý theo dõi, kịp thời đưa con đến bệnh việc nếu hậu quả nghiêm trọng

Nếu bé tỉnh táo, đi lại, nói năng, chơi đùa bình thường như trước khi bị ngã thì chỉ cần chườm lạnh và theo dõi. Giữ bé thức trong vòng ít nhất là 1 tiếng đầu. Sau đó, cho bé ngủ một chút nhưng không quá 20 phút.

Xử trí khi bé ngã dập đầu

Cần đưa bé đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não sau đây:

– Bất tỉnh: Nếu bé bị bất tỉnh, dù chỉ vài giây, cũng có thể nghĩ rằng lực va đập đủ mạnh để gây khối máu tụ. Còn nếu bé khóc thét ngay sau khi ngã thì cha mẹ có thể yên tâm là con mình vẫn tỉnh táo.

– Rối loạn tri giác: Ngay sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường (như kích động, khó dỗ, lơ mơ, tiếp xúc kém – bé không thể tập trung chú ý vào mẹ, không nhìn vào mắt mẹ, không làm theo yêu cầu của mẹ, không nhận ra người thân trong gia đình…). Còn nếu bé chống cự không cho bạn chườm lạnh thì bạn có thể yên tâm là bé vẫn tiếp xúc tốt.

– Nôn: Nếu bé nôn từ 3 lần trở lên thì cần đưa bé đi khám bác sĩ. Thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn một hay 2 lần (do khóc, ho hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ). Đề phòng trường hợp bé nôn, trong vòng vài tiếng đầu sau khi bị ngã, chỉ nên cho bé uống nước lọc hoặc bú sữa mẹ, không nên cho bé dùng thức ăn đặc.

– Đi loạng choạng, mất thăng bằng: Sau khi ngã, nhiều bé có thể kêu chóng mặt. Điều này không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu bé bị mất thăng bằng và ngã lên – ngã xuống khi đi thì cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay.

Khi bé chơi, hãy theo dõi xem bé có làm được mọi chuyện như trước không (ngồi thẳng, đi lại vững vàng, di chuyển tay chân bình thường); hay bé loạng choạng (kéo lê chân, mất phương hướng…). Nếu bé chưa biết đi thì để ý xem có gì bất thường khi bé ngồi, bò hoặc dùng tay không.

– Quấy khóc nhiều bất thường: Không thể dỗ.

– Đau đầu liên tục: Đặc biệt xấu nếu đau đầu ngày càng tăng.

– Dấu hiệu ở mắt: Trong vòng 24 tiếng sau ngã, bé có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác (đồng tử hai bên không đều), bé vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Bé lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một hóa hai).

– Chảy máu: Hoặc chảy nước từ lỗ mũi hoặc lỗ tai.

– Yếu (liệt) tay hoặc chân.

– Ngủ nhiều: Các bé thường có xu hướng ngủ thiếp đi sau khi ngã, điều này khiến việc theo dõi tình trạng ý thức của con trở thành khó khăn đối với cha mẹ. Nếu bé bị ngã vào buổi tối (hay gần giờ ngủ trưa) thì thật khó biết bé ngủ vì đến giờ ngủ hay vì chấn thương. Nếu không thể giữ bé thức thì cứ để bé ngủ, nhưng cần theo dõi sát sao.

Đưa bé đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu như màu da chuyển từ hồng sang nhợt nhạt, tím tái; nhịp thở không đều, có những đợt thở rất nông hoặc cơn ngừng thở 10-20 giây; co giật.

Nếu bạn có bất cứ nghi ngờ và lo lắng gì mà không muốn đánh thức bé, hãy đánh thức bé một phần. Kéo bé ngồi hoặc đứng dậy rồi lại đặt bé nằm xuống (không lay cho bé tỉnh). Thông thường, các bé sẽ “ậm ự” và tìm cách xoay mình để tìm lại tư thế dễ chịu.

Nếu thấy bé không hề có phản ứng gì thì cần đánh thức bé dậy hoàn toàn bằng cách cho bé ngồi (hoặc đứng dậy), kéo mí mắt bé ra, lay gọi. Nếu bé mở mắt tỉnh dậy, nhìn bạn, kêu khóc (hoặc mỉm cười) và tìm cách nằm xuống thì bạn có thể yên tâm. Trái lại, nếu bé không phản đối, không kêu khóc, da nhợt nhạt, thở không đều và thở nông thì nên đưa bé đi khám bác sĩ.

Theo dõi tại nhà sau khi được bác sĩ thăm khám

Trong một số trường hợp, tuy bị chấn thương sọ não nhưng bé chưa có biểu hiện gì khi thăm khám và sẽ được bác sĩ cho về nhà. Bé cần được theo dõi tiếp trong vài ngày sau đó. Đưa bé đi khám lại nếu có một trong các dấu hiệu như quấy khóc nhiều; đau đầu gia tăng; buồn nôn hay nôn nhiều; gặp khó khăn khi đi lại, nói năng hoặc nhìn; lơ mơ, khó đánh thức; cử động bất thường, co giật.

Nếu trong thời gian theo dõi không có biểu hiện gì bất thường thì về lâu dài cũng không có gì đáng lo ngại. Hãy nhớ rằng phần lớn các va đập khi ngã đều gây chấn thương nhẹ, nhưng hãy đưa bé đi khám bác sĩ nếu có bất cứ nghi ngờ gì.

Meyeucon.org - 24/11/2016
★★★★★★
Chia sẻ
Có thể bạn quan tâm: Bảo vệ sức khỏe trẻ em , Chăm sóc sức khỏe , Chăm sóc trẻ em , Sức khỏe trẻ em

Bài viết liên quan

  • Cách sơ cứu cho trẻ bị bỏng
  • Trẻ mất nước: dấu hiệu và cách phòng chống
  • Nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp khi giao mùa
  • Cách điều trị viêm họng cấp ở trẻ nhỏ
  • 6 loại lá trị ho nhanh cho mẹ và bé
Sự phát triển của trẻ
Theo tháng:

Bài viết đọc nhiều

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Trang chuyên thông tin về sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc cho Mẹ, bé & Gia đình.

Thông tin và điều khoản
  • Chính sách biên tập và chỉnh sửa
  • Chính sách bảo mật thông tin
  • Chính sách quảng cáo và tài trợ
  • Tiêu chuẩn cộng đồng
Link liên kết
  • Chuyên mục chăm sóc bé
  • Chuyên mục mẹ mang thai
  • Chuyên mục sức khỏe phụ nữ
  • Chuyên mục làm đẹp

Mọi thông tin trên trang chỉ mang tính chất tham khảo và bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Xem đầy đủ về thông tin “Miễn trừ trách nhiệm tại đây!”

Copyright © 2017 Meyeucon.org. All rights reserved. by Caia.vn