Tại sao ngày càng xuất hiện nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng trong gia đình? Làm cách nào ngăn chặn hoặc giảm tình trạng này? Phóng viên báo điện tử VnMedia đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trọng An – phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
PV: Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh về các trường hợp trẻ em bị bạo hành. Nguyên nhân nào khiến các vụ việc này có chiều hướng gia tăng?
BS. NTA: Nguyên nhân đầu tiên là sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt, gây ra sự chênh lệch mức sống của các tầng lớp dân cư (giữa thành thị và nông thôn), làm cho dân ở các vùng nghèo di cư. Từ đó, tạo ra sự chênh lệch về cơ hội phát triển của các em bé. Chính vì thế em bé của các gia đình này bị rơi vào hoàn cảnh như phải ở nhà một mình, bố mẹ giao cho người khác quản lý để đi làm, đi kiếm sống, nhiều trẻ đi lang thang…Đây là nguy cơ mà trẻ dễ bị lạm dụng, bị bóc lột, bị xâm hại (cả về thể chất lẫn tinh thần và đặc biệt là bị xâm hại về tình dục)
Nguyên nhân thứ hai là giá trị văn hóa truyền thống hiện nay không được phát huy, hoặc là chưa được phát huy một cách đầy đủ. Chỉ còn một số địa phương, một số vùng, một số gia đình còn giữa được giữ được đạo đức văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, đa số các vùng, nhất là các vùng ven, vùng mới trở thành đô thị có nguy cơ cao vì ở các vùng này đông dân nhập cư, từ các nơi đổ về. Do vậy, nhiều gia đình sống theo hướng tiêu cực, thay đổi về đạo đức. Đạo đức bị đồng tiền hóa, các tệ nạn xã hội bắt đầu gia tăng, các mối quan hệ gia đình ruột thịt trước kia như anh em có trên có dưới, người trên bảo người dưới nghe không còn nữa, anh em đánh nhau, con cái chửi lại bố mẹ chỉ vì kinh tế, vì đất cát,…mất hết thuần phong mỹ tục. Từ đó, tính mạng con người bị coi thường.
Nguyên nhân thứ ba là nguyên nhân trực tiếp, đó là tình hình công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện đang là vấn đề, trẻ em chưa thực sự được bảo vệ, chăm sóc theo đúng nghĩa. Hệ thống luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ, đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, đặc biệt ở cấp xã; hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được hình thành đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cha mẹ, giáo viên và công dân chưa tốt; kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình và trẻ em chưa đầy đủ; hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ thiếu tin cậy, các biện pháp nghiêm cấm, trừng trị hành vi bạo hành trẻ em cũng chưa đủ tính răn đe. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới phát hiện, báo cáo, phối hợp phòng chống, ngăn chặn nạn bạo hành trẻ ở cấp cơ sở còn nhiều lỗ hổng, yếu kém.
PV: Những trẻ bị bạo hành sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
BS. NTA: Bạo hành trẻ em không chỉ có bạo hành về thể chất, gần đây xảy ra bạo hành về cả tinh thần, không chỉ đau đớn về thể xác, mà nó gây sang chấn về tâm lý, gây rối loạn về tâm thần của trẻ. Sau này, lớp em bé đó nếu sống không được tư vấn về tâm lý, tình cảm, cải thiện môi trường sống thì các em bé đó rất có nguy cơ bỏ học, rất có nguy cơ tự tử, rất có nguy cơ vi phạm pháp luật, sử dụng ma túy và có nguy cơ gây rối loạn xã hội sau này. Có những di chứng không bộc lộ ra ngay mà sẽ hình thành cách ứng xử sau này của họ với con cái và người khác. Điều đó rất nguy hiểm.
PV: Xin ông cho biết, khi nạn bạo hành trẻ em xảy ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên?
BS. NTA: Trước tiên là trách nhiệm của cha mẹ, gia đình. Còn về góc độ quản lý Nhà nước, theo Chỉ thị 1408/CT-TTg năm 2009 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2009, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, sau đó sẽ phân cấp đến các cơ quan khác.
Ngay sau khi phát hiện các vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã gửi công văn đến lãnh đạo các địa phương đề nghị phải giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên phải nhìn nhận gần đây nhiều vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, xử lý cũng thể hiện người dân, báo chí và chính quyền các địa phương đã nhận thức và quan tâm đến vấn đề này.
PV: Nhưng thực tế vẫn chưa thấy một cán bộ, cơ quan nào bị khiển trách hay kỷ luật khi địa phương xảy ra bạo hành trẻ em?
BS. NTA: Hiện nay, Cục đang xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia về tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em để trình vào tháng 8 tới. Nội dung quy định rõ và cụ thể trách nhiệm các cơ quan, các cấp và sự phối hợp giữa các bên liên quan.
Thực tế, mạng lưới cộng tác viên, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương bị thiếu hụt, xáo động do bộ máy này bị tách khỏi Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em. Hiện chỉ còn Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đảm nhận việc này, cán bộ cấp xã chỉ có một người làm đủ việc công tác xã hội, tử tuất, người già, trẻ em,…trong khí đó, trẻ em lại rất đông, chiếm 1/3 dân số và trẻ em cần sự quan tâm nhiều hơn người lớn.
PV: Hàng năm, Nhà nước vẫn đầu tư vào các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em…Vậy tại sao trẻ em vẫn không được bảo vệ?
BS. NTA: Hàng năm Nhà nước đều phân bổ ngân sách cho địa phương để thực hiện các chương trình cho trẻ em, nhưng thực tế ngân sách dành cho trẻ em là rất ít. Tại Diễn đàn Quốc gia về trẻ em, một bé gái đã phát biểu: “Sân chơi của chúng cháu ít hơn sân tenis của người lớn”. Điều này làm chúng ta cần phải suy nghĩ.
Bên cạnh đó, các mô hình để giúp đỡ cho trẻ em như nhà tình thương, trung tâm bảo trợ… còn rất ít và số lượng trẻ được bảo trợ cũng rất nhỏ. Hoạt động bảo vệ trẻ em cần có hệ thống dịch vụ của Nhà nước để chủ động tiếp nhận thông tin từ gia đình, cộng đồng và các hướng xử lý. Hiện nay, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (18001567) là công cụ rất hữu hiệu dành cho trẻ em. Nhờ đó, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em đã được xử lý. Tuy nhiên, hoạt động của đường dây này vẫn còn hạn hẹp, nhiều trẻ em chưa biết đến.
PV: Theo ông, cần phải làm gì để bảo vệ hiệu quả trẻ khỏi bị bạo hành?
BS. NTA: Công tác bảo vệ trẻ em được chia làm 3 cấp độ: Tuyên truyền, phòng ngừa, can thiệp và dịch vụ hỗ trợ. Các cộng tác viên tại địa phương cần phát hiện ra các trường hợp có nguy cơ (gia đình có kinh tế khó khăn, bố mẹ bỏ nhau…) để có những can thiệp kịp thời. Việc phòng ngừa có thể giảm được 80% nguy cơ xảy ra xâm hại trẻ em.
Theo đó, cần phải tăng cường chiến dịch tuyên truyền, không chỉ tuyên truyền đến người dân mà phải tuyên truyền đến các cấp lãnh đạo, những nhà làm luật, người làm chính sách để bổ sung luật pháp chính sách; Tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng thẩm quyền, trừng phạt phải đủ răn đe,…
Quan trọng nhất là nhận thức và các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ tại gia đình, cộng đồng. Phải nâng cao năng lực hệ thống bảo vệ trẻ bằng việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm các cấp chính quyền, và xây dựng được mạng lưới dự phòng, ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành trẻ em tại địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Theo VnMedia