Có khoảng 4-7% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ bị hen suyễn và khoảng 10% bị dị ứng. Có cách nào giúp bạn giảm hắt hơi và khò khè mà không ảnh hưởng xấu đến thai nhi?
Hiểu về hen suyễn
– Khái niệm hen suyễn: Suyễn là một bệnh hô hấp nghiêm trọng, trong đó các đường dẫn khí bị thu hẹp. Các triệu chứng gồm thắt ngực, thở khò khè, khó thở và được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường, chẳng hạn các chất gây dị ứng phổ biến, không khí lạnh, tập thể dục, mùi mạnh (chẳng hạn như sơn) và nhiễm trùng. Khi tiếp xúc với một chất kích hoạt, đường dẫn khí sẽ bị viêm, thắt chặt, sản xuất chất nhờn dư thừa, dẫn tới các triệu chứng của hen suyễn.
– Ảnh hưởng của thuốc hen tới thai nhi: Nếu hen suyễn được kiểm soát tốt thì nó không ảnh hưởng tới bào thai. Hầu hết các loại thuốc chữa hen đều an toàn trong thai kỳ. Nhiều phụ nữ mang thai bị hen nhẹ thì chỉ cần sử dụng bình xịt giãn phế quản hít. Thuốc xịt có chứa terbutaline sulfate, metaproterenol và albuterol được xem là an toàn trong thai kỳ. Phụ nữ bị bệnh hen suyễn trung bình (hoặc nặng) có thể cần điều trị với thuốc chống viêm, chẳng hạn cromolyn sodium (Nasalcrom); hoặc hít steroid, chẳng hạn beclomethasone.
Phụ nữ bị suyễn nặng mà không được kiểm soát với các thuốc dạng hít có thể phải dùng steroid đường uống (chẳng hạn prednisone) cho đến khi triệu chứng được kiểm soát. Những loại thuốc này được chứng minh là an toàn đối với thai nhi.
– Tác hại của cơn suyễn khi mang thai: Cơn hen có thể làm giảm nồng độ oxy cho bào thai, tăng nguy cơ thai chậm tăng trưởng và trọng lượng sơ sinh thấp. Nó còn làm tăng tỷ lệ tiền sản giật, thai chết lưu và các vấn đề với nhau thai.
– Phòng tránh hen suyễn: Tương tự dị ứng, cách đầu tiên phòng hen là tránh các yếu tố gây hen. Ngoài ra, nên giảm tiếp xúc với những chất dị ứng phổ biến, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá – yếu tố gây hen suyễn phổ biến.
Bên cạnh đó, cần tiêm phòng cúm khi mang thai.
– Ứng phó nếu bị hen khi chuyển dạ: Hen có thể bùng phát trong quá trình chuyển dạ và sinh con. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát cơn hen bằng thuốc nên bạn không có gì phải lo lắng cả.
Hiểu về dị ứng
– Khái niệm dị ứng: Khi hệ miễn dịch của bạn phát hiện ra những mối đe dọa, chẳng hạn vi khuẩn hoặc virus có hại, nó phản ứng bằng cách giải phóng các hóa chất mạnh như histamine để tấn công và tiêu diệt virus.
Dị ứng phát triển ngay cả khi nó phản ứng với phấn hoa hay lông động vật. Kết quả hình thành nên các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy mũi, khò khè, ngứa…
– Nhận biết dị ứng với thứ gì: Nếu bạn bị nghẹt mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt trong quãng thời gian từ tháng tư tới tháng mười, có lẽ bạn bị dị ứng với nhiều loại phấn hoa bay trong không khí ở những tháng này.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị dị ứng bởi những chất trong nhà. Các thủ phạm thường gặp là bụi, nấm mốc, bọ ve trong bụi, gián, lông vật nuôi. Phần lớn dị ứng này không gây hại cho mẹ hay bé nhưng thường khiến thai phụ khó chịu, nhất là trong 3 tháng đầu và thời gian cuối thai kỳ.
– Cách phòng ngừa dị ứng: Nên tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Ví dụ, nếu bạn dị ứng với phấn hoa thì bạn nên đóng cửa sổ, tránh tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, khi số lượng phấn hoa ở mức cao nhất.
Nếu các triệu chứng xuất hiện từ các nguồn bên trong ngôi nhà, bạn nên đeo khẩu trang khi quét nhà (hay hút bụi), không nuôi vật nuôi, bọc gối và đệm bằng nilon để tránh bụi và cởi bỏ lớp bọc này mỗi lần bạn đi ngủ. Bọ vẹ trong bụi phát triển nhanh trong ngôi nhà ẩm ướt. Để kiểm soát nên dùng máy hút ẩm để giữ cho độ ẩm trong nhà dưới 50%.
Nếu bị nghẹt (chảy) mũi, nên dùng thuốc xịt mũi để vệ sinh mũi. Tuy nhiên nếu dị ứng nghiêm trọng (gây khó khăn cho ăn, ngủ) thì bạn nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc, chẳng hạn một số loại thuốc chống dị ứng là an toàn cho 6 tháng cuối của thai kỳ. Đó thường là các loại thuốc kháng histamine và giúp thông mũi. Nhiều bác sĩ tin rằng Clorpheniramin (thành phần hoạt động trong Chlor-Trimeton) là một trong các thuốc kháng histamin an toàn nhất.
Nếu bạn cần một loại thuốc thông mũi, nhiều bác sĩ khuyên bạn nên dùng thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ giọt như Afrin. Thuốc xịt mũi chứa cromolyn natri (Nasalcrom) cũng an toàn.