Các chuyên gia cho rằng, nếu bé ý thức được về hình phạt sắp dành cho mình, có thể bé sẽ cố tình bao biện. Một ví dụ đơn giản: khi bé giành đồ chơi với em, khiến em khóc và bạn yêu cầu bé xin lỗi em, bé có thể sẽ lý sự rằng: “Em tự làm rơi đồ chơi và khóc chứ có phải tại con đâu”.
Hướng dẫn cách xử trí
Nếu phát hiện ra bé thường xuyên nói dối, bạn cũng không nên quá lo lắng. Nói như vậy cũng không đồng nghĩa với việc bạn bỏ mặc bé.
– Khuyến khích tính trung thực: Thay vì mắng mỏ, bực bội khi bé nói dối, bạn nên gợi ý để bé bình tĩnh lý giải sự thật. Bạn có thể nói: “Mẹ rất muốn con nói sự thật. Nếu con trung thực, có thể mẹ sẽ giảm nhẹ hình phạt cho con”.
– Tránh dồn bé vào đường cùng: Bạn cố gắng không nên đặt quá nhiều câu hỏi để “thẩm vẩn” của bé. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể quan sát tình hình đang diễn ra để phán đoán sự việc; chẳng hạn, nếu bạn thấy vết chocolate còn đọng trên miệng bé thì việc bé bao biện: “Con không ăn vụng chocolate của em” thật khó tin. Bạn nên đặt cho bé một câu hỏi mở, ví dụ: “Mẹ thấy miệng con còn dính chocolate. Có chuyện gì xảy ra với con thế?”…
– Tin tưởng bé: Nếu bé thành thật nhận lỗi và hứa sửa chữa, bạn có thể nhấn mạnh với bé rằng: “Mẹ tin con không nói dối mẹ nhưng giờ con phải xin lỗi vì đã ăn chocolate của em”.
Bé hay khoác lác
3-4 tuổi là giai đoạn bé thích nói khoác nhất. Những sự vật hoặc các câu chuyện không có thật được bé kết hợp với những gì diễn ra trong đời sống hàng ngày.
Nhiều cha mẹ phát hiện ra, bé rất thích sử dụng những nhân vật trong sách như khủng long, siêu nhân khi nói chuyện; chẳng hạn: “Con nhìn thấy anh em siêu nhân trong bếp nhà mình đấy mẹ ạ” hoặc “Sau này, con muốn trở thành siêu nhân, bay trên bầu trời”.
Nguyên nhân chủ yếu vì đây là thời kỳ ngôn ngữ, trí tưởng tượng của bé khá phong phú; trong khi, nhận thức của bé lúc này còn non nớt. Bé ít có khả năng phân biệt đâu là sự thật, đâu là trí tưởng tượng.