Từ nhiều chất liệu khác nhau, những con thú hoặc quả bóng chính là những đồ chơi rất phù hợp với bé từ 6 tháng đến 3 tuổi. Các đồ chơi này không chỉ là niềm vui của bé, giúp trẻ năng động hơn mà còn tiết kiệm hơn cho cha mẹ (vì có thể cho bé chơi trong khoảng thời gian dài).
Quả bóng
– Bé 6 tháng tuổi: Bé thích nhìn chằm chằm vào quả bóng. Giai đoạn này, bé cũng phát triển kỹ năng vận động của đôi tay như chộp, với và cầm lấy bóng.
– Bé 12 tháng tuổi: Lúc này, bé có thể ngồi vững trên sàn và trườn người theo quả bóng. Bé đã biết dùng sức của bàn tay để ném bóng rồi lại bước tới để nhặt bóng.
– Bé 18 tháng tuổi: Bé có khả năng chơi trò tung bóng đơn giản với bạn.
– 2 tuổi: Bé phát triển kỹ năng ném, tung bóng. Độ tuổi này, bé cũng hào hứng với hoạt động đá hoặc dắt bóng bằng chân.
– 3 tuổi: Bé có khả năng điều khiển một quả bóng nhựa to hơn. Phần lớn các bé hình thành ý thức đá, sút bóng về một hướng nhất định với ý nghĩa “ghi bàn thắng”.
Lưu ý: Không nên chọn cho bé sử dụng những quả bóng quá nhỏ vì bé dễ bị hóc.
– Khoảng 18 tháng tuổi, bé có thể nhận diện hình quả bóng trong đời sống hoặc qua sách, báo. Bạn nên chỉ tay vào quả bóng và gợi ý để bé nói “bóng, bóng”.
Hình khối
– 6 tháng tuổi: Bé thích gặm những khối hình bằng nhựa. Ngoài ra, bé còn thường giữ chặt hoặc đập mạnh những khối hộp trong tay.
– 12 tháng tuổi: Bé phát hiện khả năng gây tiếng động bằng cách va chạm hai khối hình vào nhau. Bé cũng thích dùng tay “phá hủy” những khối hình bạn vừa xếp được.
– 18 tháng tuổi: Chồng các khối hình vuông lên nhau là kỹ năng thường thấy của bé giai đoạn này. Nhiều bé còn phát huy khả năng cân bằng hai hoặc ba khối hình lên nhau mà không bị đổ.
– 2 tuổi: Bé đã cao lớn hơn; vì vậy, kỹ năng xếp hình khối của bé cũng hoàn thiện hơn. Bé có thể xếp chồng 4-6 hình khối thành công. Bé còn có khả năng phân chia hình khối theo màu sắc; thậm chí, giả vờ những khối hình là món đồ chơi ưa thích như chiếc ôtô hoặc chiếc tàu hỏa.
– 3 tuổi: Bé có khả năng hoàn thiện việc xếp hình theo gợi ý của bạn. Đó có thể là một pháo đài, một cây cầu, đường hầm hoặc tòa nhà cao tầng.
Lưu ý: Chất liệu tốt nhất cho những khối hình của bé là từ gỗ sồi. Chúng không tạo nên những vết lõm hoặc bị bong, tróc trong quá trình chơi. Nhược điểm duy nhất là giá thành của loại đồ chơi này khá cao.
– Bạn có thể chọn những loại khối hình làm bằng gỗ thường nhưng chất lượng tốt cho bé. Nếu không, chất liệu nhựa mềm cũng là gợi ý lý tưởng.
– Nghiên cứu chứng minh, bé càng được làm quen với những trò chơi hình khối sớm, bé càng năng động hơn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên để bé chơi một mình mà nên cùng tham gia với bé.
Bút chì màu
– 6 tháng tuổi: Bé còn quá nhỏ để chơi cùng bút chì màu.
– 12 tháng tuổi: Bé có thể nắm một chiếc bút chì màu to trong bàn tay và di chuyển tự do trên một tờ giấy.
– 18 tháng tuổi: Bé sẽ nhìn bạn vẽ mẫu và bắt chước theo.
– 2 tuổi: Bé có thể tự sáng tác hội họa bằng cách nguệch ngoạc trên một tờ giấy.
– 3 tuổi: Nhiều bé phát triển năng khiếu hội họa bắt đầu ở độ tuổi lên 3. Bé có thể tô bút màu theo hình tròn, hình vuông một cách khéo léo. Giai đoạn này, bé có khả năng nhận biết được 3-4 màu cơ bản. Bé cũng có thể tự mình tô theo những chữ cái mẫu được viết hoa.
Lưu ý: Chọn mua cho bé những loại chì màu không chứa độc tố paraffin.
– Được làm quen với bút chì màu sớm, bé sẽ hoàn thiện kỹ năng cầm bút chì ở bậc tiểu học sau này.
Những con thú nhiều chất liệu
– 6 tháng tuổi: Bé thích sờ nắm và nhai những con thú bằng vải mềm.
– 12 tháng tuổi: Bé bắt đầu thể hiện tình yêu thương đặc biệt với những con thú quanh mình. Ở độ tuổi này, nhiều bé có xu hướng coi thú bông là bạn và muốn mang chúng lên giường ngủ cùng.
– 18 tháng tuổi: Những con thú phát ra nhiều âm thanh khác nhau sẽ lôi cuốn bé hơn.
– 2 tuổi: Bé thích những trò chơi đóng kịch như Gấu bông ở chung nhà với Chó bông.
– 3 tuổi: Bé sáng tạo nhiều ngôn ngữ, kỹ năng mới để gán ghép cho thú bông.
Lưu ý: Những loại thú bông thường ẩn chứa nhiều vi khuẩn và bụi bẩn, gây chứng bệnh về da hoặc hô hấp cho bé. Để tránh hiện tượng này, bạn nên vệ sinh đồ chơi cho bé thường xuyên.
Nhạc cụ đồ chơi
– 6 tháng tuổi: Nếu bạn đập tay vào một chiếc trống đồ chơi, bé sẽ rất thích thú với những âm thanh vui vẻ phát ra từ đó.
– 12 tháng tuổi: Bé sẽ “thử sức” với những đồ vật phát ra âm thanh như bàn phím piano, mặt trống, chiếc lục lạc…
– 18 tháng tuổi: Bé thích vỗ tay theo giai điệu âm nhạc. Thậm chí, bé còn thích “ê a” theo điệu nhạc hoặc dùng tay rung, lắc những chiếc lục lạc.
– 2 tuổi: Tiếng du dương từ đàn piano, guitar hoặc tiếng trống rất thu hút bé. Bé có khả năng bắt chước chơi nhạc cụ theo người lớn.
– 3 tuổi: Bé có khả năng làm quen với những loại nhạc cụ phức tạp hơn như biết hà hơi thổi vào sáo…
Lưu ý: Bạn không nên chọn loại nhạc cụ đồ chơi được sơn màu độc hại cho bé. Bởi vì, nhiều bé thích dùng miệng ngậm đồ vật.