Cho bé cùng xuống bếp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như: bé sẽ hào hứng hơn với việc ăn uống; mẹ và bé sẽ có nhiều cơ hội để xây dựng và bồi đắp sự thân mật; đó là lúc bé có thể học cách nhận diện các loại thực phẩm, làm quen với đại lượng toán học như đếm số, phân biệt hình khối…
Để bé tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa, bạn nên tham khảo vài gợi ý sau.
– Giữ an toàn cho bé: Nếu bé còn nhỏ, bạn nên để bé ngồi trên ghế riêng. Với bé lớn hơn, bạn có thể chuyển bé ngồi trên một chiếc ghế thấp.
– Chú ý điều kiện vệ sinh: Cho bé mặc một chiếc áo cũ bên ngoài để bé không bị vấy bẩn thức ăn lên người. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị cho bé một góc bàn riêng để bé làm quen với các công việc bếp núc như giúp mẹ nhặt rau, nhào bột làm bánh, sắp xếp rau, củ…
– Chỉ cho bé thấy những món ăn yêu thích: Bạn có thể biến những món hợp khẩu vị bé bằng cách bày trí đẹp mắt. Cách đơn giản, bạn đưa cho bé chút bánh quy, lát carrot, trứng gà luộc… để bé vừa xếp hình vừa bốc thức ăn.
– Dạy bé về đo lường: Bé sẽ thích thú với trò chơi múc nước hoặc đong gạo vào cốc. Bé sẽ nhận biết được bao nhiêu thìa nước thì đầy một cốc, bao nhiêu thìa gạo thì đầy một bát…
– Dạy bé về hình học: Bạn có thể cắt carrot thành những khối hình vuông, tròn, tam giác và chơi cùng bé.
– Khuyến khích bé cùng dọn bàn ăn: Hướng dẫn bé cách xếp bát, đũa ngay ngắn trên bàn ăn. Hoạt động này giúp bé xây dựng tính ngăn nắp và có tổ chức.
– Dạy bé cách rửa bát: Bé 6-7 tuổi có khả năng giúp bạn cùng rửa bát đũa. Tất nhiên, bạn chỉ nên giao cho bé những vật dụng ít có khả năng vỡ như rửa thìa, rửa đũa… Bạn có thể dạy bé cách lau, tráng và xếp đồ dùng lên giá bát.
– Cách ly bé với những đồ vật dễ gây tai nạn: Lò nướng, dao, kéo, nguồn nhiệt hay nguồn nước sôi rất dễ gây thương tích cho bé. Bạn nên để bé tránh xa những nơi nguy hiểm này.