Khi chăm sóc, dạy dỗ con cái, cha mẹ không nên làm cho bé cảm thấy bị tổn thương. Đừng để những câu nói của bạn sẽ trở thành nỗi ám ảnh theo bé suốt thời thơ ấu.
1. “Sao mà càng ngày con càng…”
Một đứa bé 6 tuổi khóc chỉ vì không có được thứ đồ chơi mà mình thích, bố mẹ cảm thấy rất khó chịu khi bé không có những biểu hiện như mình mong muốn. Người lớn thường đặt hy vọng và mong chờ con trẻ sẽ có những biểu hiện khác. Có rất nhiều ông bố bà mẹ thường quên mất sự thật là con mình vẫn còn nhỏ nên thường nổi cáu trước những hành động của bé. Khi bạn nói với bé những câu như vậy, bạn thường chỉ nghĩ đơn giản đó là những lời trách móc thông thường. Bạn hét to lên rằng “Sao mà con càng lớn càng không nghe lời thế?”.
Đừng bao giờ quát to với bé như thế, bạn hãy cố gắng để hiểu cảm giác của bé hơn, khi con vẫn không nghe lời thì hãy dùng những câu nói cùng ý nghĩa nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn như “dạo này hình như con có gì đó khó chịu”, hoặc “mẹ biết là con đang không vui, nhưng con không nên làm như vậy”, chắc chắn bé sẽ nhận thức được hành động của mình và sẽ ngoan hơn.
2. “Đừng có chạy, ngã bây giờ”
Ý của bạn đương nhiên là tốt, cha mẹ bao giờ cũng có tâm lý muốn bảo vệ những đứa con của mình. Thế nhưng, cách nói của bạn sẽ làm cho bé mất tự tin vì nó giống như một lời cảnh cáo. Bạn nói thế gần như là một dự đoán rằng nếu chạy tiếp chắc chắn bé sẽ bị ngã. Với những đứa bé có ý thích tự lập khi nghe thấy câu nói này sẽ cảm thấy như đó là một lời đả kích. Thay vì nói câu đó, tốt nhất là bạn hãy nói rằng “trước khi chạy con nhớ phải chú ý tới dây giày nhé”. Lúc đó bé sẽ hiểu rằng mình phải cẩn thận hơn.
3. Đe dọa bé
Bạn cho rằng chơi cùng với bé chỉ là việc đơn giản. Nhưng thật ra đó lại là một cách để bạn dạy cho bé biết tiếp thu những kiến thức trong cuộc sống. Khi bé làm bạn cáu và nhất định không chịu nghe lời. Tuy nhiên không nên dùng những lời đe dọa để khiến bé sợ mà ngoan hơn. Tâm lý trẻ thơ rất yếu, và cách làm của bạn sẽ chỉ khiến bé thấy sợ và không muốn gần bạn nữa. Đó chẳng phải là một cách làm phản tác dụng hay sao?
Làm cha mẹ, trách nhiệm của bạn là phải chăm lo và chú ý tới sự phát triển toàn diện của bé. Nhưng không phải là bạn dùng những lời đe dọa vì điều đó thật sự làm cho bé mất niềm tin vào cuộc sống.
4. “Tại sao con lại không được xinh đẹp như con nhà người ta vậy?”
Bạn rất tin tưởng và đặt nhiều niềm tin vào bé, bạn muốn bé phải thật hoàn hảo. Và trước hết, bé phải là một bông hoa đẹp nhất trong số bạn bè cùng lứa, hay ít ra cũng phải có điểm gì nổi bật hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Khi bạn cảm thấy bé không như mình mong muốn, bạn tỏ thái độ và hỏi bé rằng “tại sao con lại không được xinh đẹp như con nhà người ta vậy”. Câu nói này chỉ là một sự đả kích làm cho bé cảm thấy mất tự tin hơn. Bạn nên nhớ rõ, không nên làm cho bé cảm thấy bị tổn thương, vì rất có thể những câu nói của bạn sẽ trở thành nỗi ám ảnh theo bé suốt thời thơ ấu. Thay vào đó hãy cổ vũ khích lệ để bé tự tin hơn. Khi đó bé sẽ tự cố gắng, tự nỗ lực.
5. “Mẹ vừa nói với con những gì?”
Về vấn đề này, chắc chắn là bạn đã biết được câu trả lời. Cho nên, câu nói này mang ý nghĩ chỉ trách nhiều hơn. Nếu bạn cho rằng mình dùng những câu nói như vậy để trách móc khi bé không làm được những yêu cầu của mình là bình thường thì bạn đã nhầm. Hãy dùng những câu nói khác nhẹ hơn với thái độ cởi mở để bé ghi nhớ lời của bạn.