Hỏi: Bé nhà tôi xuất hiện nhiều nốt mụn trên cằm. Tôi phải làm sao?
Trả lời: Đây là chứng bệnh thường gặp ở bé. Dấu hiệu dễ thấy là bé nổi mụn một bên má, trán, cằm hoặc sau lưng. Có bé mới sinh ra nhưng hai bên má đã lấm tấm mụn đầu đen; sau đó, những đốm mụn này sẽ bật ra nhân trắng giống như dấu hiệu trứng cá ở người lớn.
Nguyên nhân
– Bé mọc mụn trên cằm có thể do viêm tắc tuyến nhờn trên da.
– Do thay đổi hormone trong cơ thể bé.
– Nghiên cứu chứng minh, nếu người mẹ sử dụng thuốc trong quá trình cho con bú, cơ thể bé có thể hấp thu chất này, làm gia tăng tình trạng mụn ở bé.
Thời gian bé mọc mụn
Mụn ở bé sơ sinh có khả năng giảm dần và khỏi hẳn sau một vài tuần nhưng một số trường hợp, có thể kéo dài hàng tháng (thậm chí hàng năm). Nếu tình trạng mụn của bé không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đưa bé đi khám.
Cách chăm sóc bé
– Bạn không nên lạm dụng kem dưỡng da cho bé; bởi vì, kem dưỡng sẽ làm bít lỗ chân lông và khiến tình trạng mụn ở bé trầm trọng hơn.
– Giữ cho da bé luôn sạch sẽ và khô thoáng. Bạn cũng nên lưu ý khi vệ sinh da cho bé. Việc chà xát quá mạnh tay sẽ khiến da bé bị kích ứng và làm mụn nổi nhiều hơn.
– Thông thường những nốt mụn này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Tuy nhiên, một số trường hợp, những nốt mụn ở bé có thể bị sưng to và bị nhiễm trùng. Lúc này, bác sĩ có thể cho bé uống (hoặc tiêm) kháng sinh. Nếu tình trạng mụn của bé nặng hơn, khi mụn không xẹp và kèm theo dấu hiệu mưng mủ, bác sĩ phải mổ lấy mủ cho bé.
– Nhiều người mẹ có thói quen đắp lá lên vết mụn của bé; tuy nhiên, bác sĩ khuyên bạn không nên tự ý đắp các loại lá vì chúng có thể khiến vết mụn bị nhiễm trùng. Bạn cũng không nên tự ý nặn những vết mụn cho bé.