Thông thường thì cha mẹ sẽ cho con tiền khi cần chi tiêu vào một số nhu cầu nào đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, cách làm như vậy không hay, thay vào đó họ nên trợ cấp hàng tháng. Khi lên 5-6 tuổi, trẻ có thể lĩnh trợ cấp vì đã ý thức về mối liên hệ giữa đồng tiền và sự mua bán, có thể phân biệt các tờ tiền, biết cộng trừ.
Số tiền là bao nhiêu còn phụ thuộc vào 3 yếu tố: mức độ trưởng thành của trẻ, khả năng tài chính của cha mẹ và những món đồ mà bạn kỳ vọng rằng con mình sẽ bỏ tiền ra mua. Bất kể món tiền ít hay nhiều, chẳng bao lâu trẻ sẽ cảm thấy cần nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự động tăng trợ cấp hàng năm cho trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất tự nhiên khi ban hành lệnh cấm vận, siết chặt hầu bao nếu trẻ bị điểm thấp ở trường, hoặc cư xử không đúng mực. Lúc này, đồng tiền được sử dụng như là vũ khí phục vụ cho việc trừng phạt hay khen thưởng. Các chuyên gia giáo dục cho rằng chiến thuật này không phải lúc nào cũng thắng lợi. Vì nếu bị siết chặt, trẻ sẽ tỏ ra không cần tiền, và tiếp tục lặp lại những hành động ấy. Hoặc cũng có thể, trẻ sẽ nảy sinh ý định ăn trộm tiền của người khác.
Đi cùng với việc cho tiền hằng tháng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách quản lý tiền bạc. Phải giáo dục con cần cất riêng một món nho nhỏ để hoạch định cho tương lai. Thay vì bày cho trẻ cứ “nhắm mắt nhắm mũi” nhét vào con lợn đất những khoản tiền chưa dùng, hãy giúp trẻ quyết định xem nên tiết kiệm ở khoản nào và số tiền còn thừa sau khi chi tiêu đúng mục đích là bao nhiêu.
Đối với trẻ em, để dành tiền sẽ ý nghĩa nhiều hơn nếu như ấp ủ một giấc mơ mua bộ xếp hình kỹ thuật, máy tính cá nhân… Cha mẹ nên khuyến khích con tiết kiệm tiền bằng cách đề ra các kế hoạch ngắn hạn như bớt mua đồ chơi, giấy dán, bộ sưu tập thú bông hay bất cứ thứ gì.