Khi xem những bộ phim của phương Tây, chúng ta rất dễ bắt gặp “tình bạn” giữa cha mẹ và con cái và cũng thấy rằng “tình bạn” đó thật hữu ích cho việc dạy bảo con cũng như cho sự phát triển của trẻ. Làm thế nào để có thể xây dựng được một “tình bạn” như vậy là câu hỏi này sinh trong đầu bạn khi đó. Việc đó tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thực không dễ để các bậc cha mẹ thực hiện.
Cha mẹ hãy hạ cái “tôi” của mình xuống
Để làm bạn được với con, cha mẹ buộc phải tự hạ cái “tôi” của mình xuống, đặt mình ngang bằng với đứa trẻ. Nhiều người bức xúc vì công việc ở cơ quan, vì cuộc sống khi bị ai đó nặng lời hay châm chọc đã về nhà trút lên con cái mình một cách vô lý. Vô tình cha mẹ đã tạo nên khoảng cách với con cái.
Khi con cái có vấn đề muốn trình bày, tâm sự, cha mẹ hãy dẹp bỏ những chuyện bực bội không liên quan, tạo cơ hội cho con được bày tỏ. Hãy ngồi bên con, hỏi han và chia sẻ cùng chúng như những người bạn tâm tình. Và qua đó, ngoài việc hiểu con hơn, chính bản thân cha mẹ lại có thể làm tiêu tan đi những lo âu phiền muộn trong lòng mình.
Hiểu và tôn trọng tính tình, nhân cách của con
Cha mẹ và con cái là hai thế hệ khác nhau, cả hai có thể sẽ có những sở thích, cảm nhận hoặc quan niệm khác nhau về cuộc sống xung quanh. Cho nên, cha mẹ không nên lên án, kết tội hoặc xung đột với con về những vấn đề này mà hãy cố gắng hiểu và tôn trọng con, đặc biệt tính cách riêng biệt của con.
Nói chuyện với con hàng ngày
Cho dù bạn có bận rộn với bao nhiêu công việc ở công ty hay ở nhà thì bạn cũng đừng quên dành thời gian nói chuyện với con cái, cùng con bàn luận về một vấn đề nào đó như một câu chuyện, một trò chơi… Và bạn hãy luôn nhớ rằng đó là những vấn đề mà con của bạn quan tâm chứ không phải bạn. Những buổi tâm tình như thế sẽ khiến cha mẹ và con cái hiểu về thế giới của nhau hơn và trở nên gần gũi, thân thiết hơn.
Lắng nghe những suy nghĩ và cảm xúc của con
Đừng bỏ qua những suy nghĩ và cảm xúc, lo lắng hay suy nghĩ của con, đừng coi đó là những “chuyện vớ vẩn”, nếu không, con bạn sẽ cho rằng bạn không tôn trọng chúng, hay chí ít cũng là khiến chúng có suy nghĩ “chúng không có chỗ đứng quan trọng trong lòng bạn”.
Khen, chê đúng mức
Nhiều ông bố, bà mẹ nghĩ rằng lòng tự trọng được xây dựng qua sự khen ngợi liên tục. Nhưng thực tế, việc có quá nhiều lời tán dương khiến con cái ngộ nhận về khả năng thực tế của chúng. Tai hại hơn, việc khen quá nhiều còn tạo áp lực cho trẻ về những thành tích tiếp theo. Ngược lại, nếu chê bai quá đáng sẽ khiến trẻ mất tự tin, mặc cảm và không còn ý chí phấn đấu nữa. Để giúp con cái tự tin, hãy làm cho chúng biết hài lòng đúng mức về bản thân và biết khắc phục những sai lầm, yếu kém.
Thể hiện tình yêu của mình với con càng thường xuyên càng tốt
Khi đứa trẻ được ôm ấp, được âu yếm vuốt ve và ôm hôn sẽ phát triển những cảm xúc tốt về bản thân mình cũng như về bố mẹ. Đừng bao giờ cho rằng việc con cái biết mình yêu thương là hiển nhiên mà hãy thể hiện điều đó. Tuy nhiên, khi con bạn đến một tuổi nào đó mà chúng cảm thấy bố mẹ không cần phải tỏ lòng yêu thương theo kiểu mà chúng nghĩ rằng “quá đáng”, ví dụ như ôm hôn trước mặt bạn cùng lớp, thì bạn cũng cần tôn trọng ý muốn của con. Có vô vàn kiểu bày tỏ lòng thương yêu đối với con cái khác nữa mà cha mẹ có thể thực hiện.
Cha mẹ cũng cần phải biết “xin lỗi”
Nếu cha mẹ phạm sai lầm hoặc mắc lỗi thì hãy mạnh dạn xin lỗi con, để chúng cảm nhận được sự bình đẳng. Cha mẹ không nên áp đặt con cái phải làm theo mình, sống giống mình, suy nghĩ giống mình, bởi chúng là những con người với những tính cách, tâm tư, tình cảm hoàn toàn độc lập. Chúng có “cái tôi” của chúng nên chúng cũng cần được cha mẹ tôn trọng.